Trong báo cáo chiến lược mới công bố, các chuyên gia của CTCK Rồng Việt nhận định, bức tranh thị trường năm 2018 khá tươi sáng với nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nhưng vẫn có những rủi ro nhất định.
"Sóng cả" của năm 2018
Một vài rủi ro có thể đề cập đến.
Thứ nhất, rủi ro từ các vụ việc xử lý các sai phạm quản lý doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 2017, khi chính phủ đẩy mạnh việc xử lý sai phạm tại nhiều ngân hàng, tập đoàn lớn như PVN thì thị trường vẫn không có phản ứng tiêu cực. Trong giai đoạn thị trường "con bò" thì tâm lý rất tốt và có thể không bị tác động bởi những sự kiện này. Tuy nhiên, nếu những sự kiện này diễn ra trong giai đoạn thị trường điều chỉnh tạm thời thì vẫn có thễ bị "khuếch đại" hệ quả, qua đó có thể làm nhịp điều chỉnh mạnh và kéo dài hơn.
Thứ hai, sự trì trệ của hoạt động thoái vốn nhà nước, niêm yết nhà nước cũng có thể trở thành một yếu tố kém thuận lợi cho thị trường. Câu chuyện về "đổi mới doanh nghiệp nhà nước" thực ra đã được đề cập từ năm 2015 và cũng có những dấu ấn nhất định trong năm 2016. Các doanh nghiệp mới niêm yết và thoái vốn nhà nước thực chất cũng tác động lên thị trường năm 2017 nhưng lại bắt nguồn từ các doanh nghiệp tư nhân như VJC, VRE và lẻ tẻ những đợt thoái vốn PLX, VNM, SAB hay danh sách 4 trong số 10 "cổ phiếu SCIC thoái vốn".
Điều này cho thấy kỳ vọng của thị trường vào vấn đề này lớn dần theo thời gian từ giai đoạn giữa đến cuối năm 2017. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng 2018 – 2019 sẽ là đỉnh điểm của hoạt động đổi mới doanh nghiệp nhà nước và rất sẵn sàng tham gia đấu giá IPO, tìm cổ phiếu OTC. Do vậy, nếu quá trình lại tiếp tục bị trì trệ thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của không chỉ nhà đầu tư trong mà lẫn nhà đầu tư ngoài nước.
Thứ ba, độ biến động trong phiên đang tăng. Chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất phiên ngày một mạnh, tăng dần trong giai đoạn 2 quý cuối năm 2017 và đang ở ngay mức bình quân 1,3% kể từ năm 2010. Quan sát biến động trong quá khứ thì khi độ biến động này tăng lên mức cao như vậy thì mức sinh lợi sẽ sụt giảm trong trong vài quý kế tiếp và thậm chí bị âm.
Cuối cùng, những biến động địa – chính trịtrong khu vực và quốc tế cũng có thể tác động đến thị trường. Một vài sự kiện tiêu biểu trong vài năm gần đây có thể kể đến như Trung Quốc thay đổi cơ chế tỷ giá (08/2015), Brexit (06/2017) hay căng thẳng bán đảo Triều Tiên… Những sự kiện này hoặc tác động thẳng vào tâm lý nhà đầu tư, hoặc tác động vào vĩ mô của Việt Nam như tỷ giá, cán cân thương mại…
Trước những "sóng cả" đó, tại sao không nên "ngã tay chèo"?
Theo VDSC, năm 2018 là năm thứ ba mà Chính phủ nhiệm kỳ mới thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), trong đó cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh là những trọng điểm được ưu tiên.
Trong giai đoạn đặc trưng như trên, VDSC cho rằng thị trường chứng khoán, với vai trò là phong vũ biểu của nền kinh tế, sẽ là kênh đầu tiên phản ánh những chuyển động tích cực trên: Niềm tin của Nhà đầu tư được củng cố bởi nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ và sự cải thiện của các biến số vĩ mô. Môi trường kinh doanh tiếp tục được chú trọng cải thiện thông qua các chủ trương bãi bỏ điều kiện kinh doanh của Chính phủ và các bộ ngành.
Cụ thể, Nghị định 08/2018/NĐ-CP bãi bỏ khoảng 600/1.200 điều kiện kinh doanh trong ngành công thương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá phần lớn các điều kiện khác. Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo quyết liệt, không những bãi bỏ điều kiện mà bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về tăng trưởng kinh tế, RongViet Research dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt 6,7% đối với kịch bản cơ sở, và đạt 7,0% đối với kịch bản tích cực. Các nhân tố đóng góp tích cực bao gồm sự phục hồi mạnh hơn của lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dự báo tăng trưởng hơn 12% nhờ đóng góp của khu vực FDI (Samsung, Formosa...), khu vực dịch vụ (gồm bán buôn, bán lẻ, tài chính, bảo hiểm, vận tải,...) dự báo sẽ đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GDP.
Môi trường lãi suất thấp và tỷ giá ổn định sẽ làm tăng sự hấp dẫn cho các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán và bất động sản. Định hướng giảm lãi suất được nhà điều hành thể hiện khá rõ thông qua đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất OMO, cộng với nguồn tiền gửi dồi dào từ Ngân sách Nhà nước và môi trường lạm phát thấp (dự báo khoảng 3,8 – 4% cho năm 2018), chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất năm 2018 sẽ chưa có nhiều biến động so với năm 2017.
Bên cạnh đó, dự báo Việt Nam sẽ có năm thứ ba liên tiếp ghi nhận thặng dư thương mại, cộng với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào (~54,5 tỷ USD tính đến giữa tháng 1/2018), NHNN sẽ chủ động hơn trong can thiệp thị trường ngoại hối, giúp tỷ giá USD/VND chỉ dao động nhẹ trong khoảng 1 – 2%. So với kênh đầu tư bất động sản cần có vốn đầu tư cao và hạn chế về thanh khoản thì chứng khoán sẽ là kênh thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm tốt hơn.
Cuộc đua để TTCK Việt Nam được thăng hạng từ cận biên lên mới nổi là cơ hội để tăng sự minh bạch và chất lượng "hàng hóa" trên thị trường và tăng lựa chọn cho nhà đầu tư. Mặc dù không cho rằng Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách xem xét thăng hạng trong năm 2018 do còn hạn chế về các tiêu chí định tính, VDSC nhìn thấy những nỗ lực hoàn thiện hạ tầng thị trường của nhà điều hành: (1) Hàng hóa cho NĐT đã có thêm chứng khoán phái sinh vào năm 2017 và dự kiến là chứng quyền có bảo đảm vào năm 2018, và (2) Nghiên cứu thực hiện giao dịch trong ngày (T+0), dịch vụ cho quỹ mở, quỹ hưu trí cũng sẽ được đẩy nhanh trong năm 2018.
Đây là những chuyển động tích cực và sẽ tăng tính hấp dẫn cho TTCK Việt Nam. Với những lập luận trên, VDSC cho rằng 2018 vẫn là năm khả quan cho TTCK Việt Nam. Không chỉ dựa vào dòng vốn từ NĐT nước ngoài, tỷ suất sinh lợi khoảng 48% của VNIndex trong năm 2017 khiến TTCK trở nên hấp dẫn để lôi kéo kênh tiền gửi tiết kiệm gia nhập thị trường. Đây sẽ là lực cầu đối ứng hấp thụ nguồn cung cổ phiếu vào TTCK, dự báo cũng tăng mạnh không kém trong năm 2018, bao gồm nhóm doanh nghiệp Nhà nước IPO, niêm yết mới, và phát hành thêm.
Theo Trí thức trẻ