CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 3. VDSC cho rằng, tâm lý thị trường đang chịu tác động từ cả diễn biến Covid-19 và hoạt động bán ròng của khối ngoại. Từ sau Tết Nguyên đán, có 8 phiên thị trường biến động trên 1% và thanh khoản trung bình tăng hơn 30%.
Sẽ có chuyển biến
Trước diễn biến như hiện nay, VDSC dự đoán chỉ số Vn-Index sẽ dao động trong vùng 880-925 điểm. Hoạt động của khối ngoại chỉ dừng hẳn, hoặc chuyển sang trạng thái mua khi tình hình dịch ổn định và nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai.
Hiện, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Dự thảo thông tư hướng dẫn có thể sẽ sớm được hoàn tất. Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng các ngân hàng thương mại vừa công bố gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và một gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa ít nhất 30.000 tỷ.
VDSC cho biết, tại thời điểm trước Tết Nguyên Đán, với PE của VN-Index là 15,5x. Với ước tính tăng trưởng EPS 2020 là 11%, PE dự phóng cho năm 2020 là 13,9x, chỉ nhỉnh hơn một chút so với PE hiện tại 13,85x.
Điều này có nghĩa thị trường đang cho rằng lợi nhuận sẽ gần như đi ngang trong năm 2020 sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Do đó kết quả kinh doanh sơ bộ của quý I/2020 và kế hoạch năm 2020 nửa cuối tháng 3 là những số liệu cần quan sát.
Đồng quan điểm với VDSC, các chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết thêm, một yếu tố hỗ trợ khác là các quỹ ETF mô phỏng các rổ chỉ số mới đã được phê duyệt và sẽ niêm yết trong tháng 3 và tháng 5.
Đây được đánh giá là kênh hút dòng tiền nước ngoài tốt và có thể giúp thị trường cân bằng lại khi khối tự doanh tích luỹ thêm cổ phiếu trong các rổ chỉ số mới.
Cũng theo Yuanta Việt Nam, diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng Vn-Index nói chung và các cổ phiếu nói riêng đang có dấu hiệu quá bán bởi yếu tố tâm lý. Đợt giảm mạnh sau Tết Nguyên đán đang mở ra cơ hội lớn với hoạt động đầu tư trung hạn. Thông tin hỗ trợ chính sách sẽ quyết định cường độ và cao độ của đợt hồi phục.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong tháng 3, Chứng khoán BSC đưa ra 2 kịch bản. Trường hợp tích cực thì VN-Index phục hồi sau đợt bán tháo, tích luỹ trên 925 điểm và có thể tăng dần lên 950 điểm vào cuối tháng nhờ thông tin tốt hỗ trợ. Ngược lại, chỉ số có thể đóng cửa dưới 873 điểm nếu Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu hơn và áp lực xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài không dừng lại.
Có nên "xuống tiền"?
Thực tế, thị trường chứng khoán đã giảm từ năm 2018, từ đó đến nay có khá nhiều khuyến nghị về việc cơ hội đã đến, giá tốt nhưng đều khiến các nhà đầu tư "thất vọng".
Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam, giai đoạn hiện nay cũng tương tự, nhưng việc giá giảm sâu sẽ dẫn đến các đợt hồi phục ngắn hạn, phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng.
Trong giai đoạn hiện tại nhiều yếu tố đang không ủng hộ thị trường. Có thể kể đến dòng tiền lớn trên thế giới và Việt Nam vẫn đang đổ vào các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu Chính phủ, vàng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lùi xuống dưới 1,3% và kỳ hạn 30 năm giảm về 1,8%, mức thấp nhất mọi thời đại, khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược sâu hơn, cho thấy những dòng tiền khổng lồ vẫn chọn kênh đầu tư an toàn làm vịnh tránh bão.
Bởi lẽ, lợi suất giảm khi giá tăng, hoặc lãi suất giảm, hoặc cả hai, mà trái phiếu chính phủ và đặc biệt trái trái phiếu chính phủ Mỹ thường chỉ có các nhà đầu tư lớn như các định chế tài chính, ngân hàng trung ương các nước mới đầu tư vào.
Trong khi đó, các yếu tố bất ổn như thương chiến, cuộc đua hạ lãi suất thúc đẩy các ngân hàng trung ương mua vàng để cân bằng trạng thái gây ra nỗi lo ngại về nguy cơ tạo ra cuộc chiến tiền tệ.
Thị trường chứng khoán Mỹ, trụ cột cho các thị trường thế giới đang đi vào giai đoạn bất ổn, khi tuần qua có phiên giảm mạnh nhất lịch sử.
Ngoài ra, chứng khoán Mỹ đang trong chu kỳ 4.000 ngày ở trong thị trường “bò tót” (tăng giá) dài nhất lịch sử, rất dễ có các động thái chốt lời, từ đó ảnh hưởng sang các thị trường khác.
USD vẫn tăng mạnh thời gian qua, chỉ số USDX (USD Index) thậm chí chạm ngưỡng 100 điểm. USD tăng điểm chưa bao giờ là tin tốt với kinh tế và thị trường tài chính, đặc biệt trong năm 2020, USD và vàng đi cùng chiều với nhau cho thấy sự sợ hãi trong tâm lý nhà đầu tư đang bao trùm.
Ðáng lưu ý, dịch Covid-19 chưa có hồi kết và nếu sớm kết thúc thì hậu quả có thể phải trong thời gian dài mới khắc phục được. Nhận định về việc có nên "xuống tiền" vào chứng khoán trong giai đoạn hiện tại, ông Khánh cho biết, ngắn hạn thì lướt sóng chứng khoán trong những nhịp phục hồi nhưng chỉ dành cho những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, tâm lý vững vàng.
Còn trung và dài hạn, vàng có nhiều cơ hội hơn, nhưng chứng khoán không phải không có cơ hội, mà sẽ nằm ở phân khúc khác.