Chứng khoán Việt: 20 “tuổi” đã đủ lớn?

Thị trường chứng khoán chính thức bước sang tuổi 20 với nhiều tiền đề được xây dựng từ nhiều năm trước đó mở ra kỳ vọng về một kênh đầu tư xứng tầm về sự minh bạch, là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chứng khoán Việt: 20 “tuổi” đã đủ lớn?

Dù còn đó những câu chuyện chính sách cũng như các DN trong nước cần tiếp tục hoàn thiện để đủ sức vươn tầm thế giới, nhưng 19 năm thị trường chứng khoán mở cửa là 19 năm văn hóa minh bạch, quản trị DN tiên tiến đã được khởi lên và cải thiện từng bước với các chủ thể tham gia thị trường.

Mục tiêu 100% GDP

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/9/2019, quy mô thị trường chứng khoán đã đạt khoảng 81% GDP, tăng 13% so với cuối năm 2018, vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020 đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Với bước tiến này, thị trường chứng khoán đang dần thể hiện rõ hơn vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực thì đây không phải là một con số lớn nhưng đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt còn khá non trẻ, kết quả như vậy là rất đáng khích lệ.

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, số lượng công ty trung gian cũng tăng mạnh. Đến nay, Việt Nam có hơn 70 công ty chứng khoán và hàng chục công ty quản lý quỹ hoạt động. Không chỉ lớn lên về quy mô, sản phẩm, kinh nghiệm đầu tư mà thị trường chứng khoán còn lớn lên theo nhưng thương vụ tỷ USD vốn ngoại chảy vào DN Việt. Những thương vụ đình đám như Tập đoàn Bảo Việt - Sumitomo Life; Vietnam Airlines - ANA Holdings Inc.; Sabeco - Thaibev; SSI - Daiwa Securities Group Inc.; Vingroup - SK Investment… là dấu ấn của thị trường trong những năm qua.

Đánh dấu “tuổi trưởng thành” 20 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 nhằm đưa chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đề án đặt ra mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đến cuối năm 2020 phải đạt 100% GDP, số lượng công ty niêm yết cũng phải tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt 3% dân số vào cuối năm 2020 và 5% dân số vào cuối năm 2025.

Không chỉ lớn lên về quy mô, sản phẩm, kinh nghiệm đầu tư mà thị trường chứng khoán còn lớn lên theo nhưng thương vụ tỷ USD vốn ngoại chảy vào DN Việt.

Vẫn cần sự “lột xác”

Theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu tại Đề án được đánh giá là khó khăn đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu. Phát biểu tại một diễn đàn chứng khoán, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho biết, dựa theo giả định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% và lạm phát quanh ngưỡng 4% theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2020, vốn hóa thị trường cần tăng 35% trong năm 2020 để đạt 100% GDP.

Theo ông Tín, nhìn lịch sử thì việc thị trường đạt được mức tăng 35% trong 1 năm là rất khó xảy ra. Từ năm 2010 đến nay, chỉ có một lần duy nhất Vn-Index đạt mức tăng trên 35% là vào năm 2017 với mức tăng 48%. Nguyên nhân là hàng loạt DN niêm yết mới như VJC (Vietjet Air), HVN (Vietnam Airlines), PLX (Petrolimex), VPB (VPBank), VRE (Vincom Retail). Đặc biệt, là sự trợ giúp của những thương vụ thoái vốn như VNM (Vinamilk) và SAB (Sabeco), hai cổ phiếu này đã tăng lần lượt 66% và 26% so với cuối năm 2016. IPO và thoái vốn ở một số DN lớn này đã chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường tăng thêm ở thời điểm 2017.

Trong khi, điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu vốn hoá thị trường đạt 100% GDP là phải tăng cung bằng cổ phần hoá và thoái vốn. Năm 2020 cũng là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn của Chính phủ với hàng loạt DN lớn như Agribank, Vinachem, Mobifone, Vicem, Genco 1, Genco 2… ước tính tổng vốn hóa của DN lớn này ở mức khoảng 8 tỷ USD. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn tại các DN này sẽ giúp tăng đáng kể vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam và tiến tới đạt mốc dấu mốc quan trọng 100% GDP trong năm 2020.

Thị trường đang cần một sự "lột xác", cải thiện nhiều yếu tố để có sự phát triển ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín nhấn mạnh, thị trường vẫn cần phát triển ổn định và bền vững hơn bởi thực tế cho thấy, sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh trong năm 2017, thị trường đã nhanh chóng sụt giảm trong năm 2018. Hơn nữa hiện nay các cổ phiếu trong VN30 đều đã quá đắt đỏ, trong khi việc đầu tư bám sát VN30 của các tổ chức còn bị chi phối mạnh bởi các tác động của chứng khoán thế giới. Mỗi đợt cơ cấu danh mục của các quỹ thường bán nhiều hơn mua mà khi các cổ phiếu trụ cột bị bán đã làm Vn-Index bị tổn thương nghiêm trọng và biến động thất thường.

Trong khi cổ phiếu của hàng loạt DN nhỏ và vừa đã bị bỏ quên dù thị giá của chúng đang ở mức khá hấp dẫn để đầu tư. Nhóm cổ phiếu này khá ì ạch khiến các nhà đầu tư nản lòng, chưa kể luôn lọt danh mục đầu cơ. Đặc biệt, năm 2019 cũng là năm chứng kiến tác động của thị trường phái sinh lên thị trường cơ sở. Không phải tất cả các ngày đáo hạn của hợp đồng phái sinh, chỉ số VN30 đều giảm, càng thể hiện rõ sự sự chi phối của nhóm này tới thị trường. Theo đó, thị trường đang cần một sự "lột xác", cải thiện nhiều yếu tố để có sự phát triển ổn định và bền vững.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Kinh tế trưởng công ty chứng khoán SSI, “Cũng như nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng cần phải có thời gian tích lũy, thời gian tích lũy càng lớn thì sức bật càng mạnh. Điểm tích cực chúng ta hy vọng chính là sau thời gian tích lũy (năm 2018 và 2019) thị trường sẽ đi lên chứ không phải đi xuống. Đó là hy vọng cho thị trường chứng khoán năm 2020”.

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...