Năm 2018, mặc dù TTCK Việt Nam chịu nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực từ những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ thế giới và đã có một năm giao dịch nhiều biến động thăng trầm, tuy nhiên có thể đánh giá năm 2018 là một năm đạt được nhiều thành công, ghi nhận nhiều bước tiến và phát triển trong nhiều mặt hoạt động của thị trường.
TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017.
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong năm qua, TTCK tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định cả về quy mô và thanh khoản. Trên thị trường cổ phiếu, quy mô vốn hóa năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng với 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Thanh khoản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29% từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018. Thị trường chứng khoán phái sinh sau hơn 1 năm hoạt động duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và đều đặn với khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân năm 2018 đạt hơn 79 nghìn hợp đồng/phiên, gấp 7,2 lần so với 2017...
Thống kê cho thấy, nếu như cách đây 5 năm, TTCK Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp có mức vốn hóa 1 tỷ USD thì đến thời điểm ngày 29/1/2019, đã có khoảng 32 doanh nghiệp có mức vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, tiêu biểu như Vingroup với mức vốn hóa khoảng 14,3 tỷ USD, Vinamilk với mức vốn hóa tương đương 10,2 tỷ USD, Vietcombank có mức vốn hóa hơn 9 tỷ USD... Với quy mô vốn hóa như hiện tại, TTCK Việt Nam đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các ngân hàng.
Bước sang năm 2019, để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn, ngành Chứng khoán sẽ tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường: Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, trọng tâm xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi; Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Tiếp tục chú trọng vào việc xây dựng và vận hành các sản phẩm mới trên thị trường, sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ; Hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu; Cơ cấu lại cơ cấu cơ sở nhà đầu tư trên thị trường; Nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường, thực hiện thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định tạo sự phát triển bền vững cho thị trường; các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
Nhận định về xu hướng năm 2019, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TTCK luôn chịu tác động bởi những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình thị trường để phối hợp chặt chẽ, làm thế nào vẫn thúc đẩy phát triển các phân khúc của thị trường tài chính nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội, qua đó tạo nền tảng phát triển ổn định cho thị trường, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia vào TTCK Việt Nam.