Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 4/2022 - 1/2023 sau khi UBCKNN chấp thuận. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/CP, tương ứng số tiền huy động dự kiến đạt 6.080 tỷ đồng.
Về phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, Chứng khoán VPBank - VPBank Securities (VPBankS) cho biết sẽ bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán (30%), hoạt động tự doanh (60%) và hoạt động khác (10%).
Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán VPBank sẽ tăng từ 8.920 tỷ đồng lên mức 15.000 tỷ đồng, trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất.
Tham vọng của các cổ đông và HĐQT Chứng khoán VPBank là phát triển và trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam. Nếu kế hoạch tăng vốn này thành công, Chứng khoán VPBank sẽ trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt qua SSI với 14.911 tỷ đồng, kế đến là VND 12.178 tỷ đồng.
Chứng khoán VPBank được đổi tên từ Chứng khoán ASC hồi đầu năm 2022, sau khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã quyết định đầu tư mua lại ASC. Kể từ khi về tay VPBank, Chứng khoán VPBank liên tục được tăng vốn, lên 269 tỷ đồng (tháng 2/2022), rồi tiếp tục tăng đột biến lên 8.920 tỷ đồng. Đa phần nguồn vốn của VPBank Securities được sử dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Theo báo cáo quý 3/2022 của Chứng khoán VPBank cho thấy công ty có tổng tài sản gần 9.700 tỷ đồng, trong đó cho vay ký quỹ (margin) khoảng 3.500 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoảng 5.300 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tăng 30 lần so với thời điểm đầu năm.
Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán có thể cho vay margin tối đa gấp đôi vốn chủ sở hữu. Như vậy với việc tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, VPBank Securities sẽ có tổng room cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ lên đến 30.000 tỷ đồng.