Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?

Tình hình kinh doanh bết bát, vay nợ gấp 15 vốn chủ sở hữu… là những khó khăn hiện hữu của CTCP Sông Đà 1.01. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, đây cũng là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án tọa lạc tại vị trí “vàng” của Thủ đô, lượng hàng tồn kho đang ở mức “khủng”.

Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?

CTCP Sông Đà 1.01 (mã: SJC) được thành lập trên cơ sở Xí nghiệp Sông Đà 1.01 (tiền thân là Đội xây dựng số 1) thuộc CTCP Xây dựng Sông Đà 1. Giai đoạn 2007 – 2012 được coi là những năm vàng son của doanh nghiệp nhờ việc trúng hàng loạt gói thầu thi công lớn của Tập đoàn Sông Đà và nhiều dự án dân dụng khác.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm 2013 trở đi, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế chung đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp này. Sự đóng băng của thị trường bất động sản cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu và đầu tư công giai đoạn 2012-2013 khiến các hoạt động của Sông Đà 1.01 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tốt đã xuất hiện với doanh nghiệp này.

Trở lại nhờ giá tăng?

Từ năm 2013, Sông Đà 1.01 đã chuyển hẳn định hướng kinh doanh sang đầu tư bất động sản. Hai dự án “chào sân” của doanh nghiệp này là chung cư Hemisco và CT1 Văn Khê.

Đến năm 2015, công ty này “lấn sân” sang phân khúc chung cư cao cấp khi quyết định hợp tác đầu tư dự án Hà Nội Landmark 51, với tổng đầu tư 988 tỷ đồng.

Khi đó, Sông Đà 1.01 bắt tay Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) làm đồng chủ đầu tư dự án. Theo đó, Vinafor đóng góp bằng quyền sử dụng đất (hơn 2.100m2 tại làng Vạn Phúc), Sông Đà 1.01 tìm nguồn vốn cho dự án.

Hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai – Dự án Vinafor - với PVCombank HO với giá trị bảo lãnh là 1.000 tỷ đồng đã được ký kết, Sông Đà 1.01 chính thức đặt chân vào khu đất khá đắc địa tại Hà Đông khi ấy.

Cùng với cách thực hiện này, Sông Đà 1.01 đã trở thành chủ đầu tư của dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (Tên trước là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tất nhiên, như mọi doanh nghiệp bất động sản, hoạt động vay nợ của Sông Đà 1.01 doanh nghiệp chủ yếu để đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn bước ngoặt này, “vận đen” đã tìm đến doanh nghiệp này, khi khủng hoảng kinh tế cùng với sự đóng băng của thị trường bất động sản đã khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Không còn khả năng vay nợ và áp lực nợ vay đè nặng dẫn đến các dự án của doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “dậm chân tại chỗ”.

Theo báo cáo tài chính tự lập, tính đến ngày 30/9/2022, Sông Đà 1.01 đang có lượng hàng tồn kho giá trị lên đến gần 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn còn một khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 137,4 tỷ đồng.

Cơ hội hồi phục của Sông Đà 1.01 đã xuất hiện nhờ vào sự tăng giá của thị trường bất động sản 2 năm qua. Nhưng sau giai đoạn ngăn ngủi này, cơ hội đã hẹp lại do thị trường đang khá trầm lắng.

Tuy nhiên, cần lưu ý, ngay cả với mức giá bất động sản hiện tại, “cửa sống” của doanh nghiệp này vẫn khá sáng. Cụ thể, theo một chuyên gia, hiện giá giao dịch chung cư trong khu vực dự án Hà Nội Landmark Tower đang là trên dưới hơn 40 triệu đồng/m2 (mức giá trung bình của các dự án chung cư khu vực đường Tố Hữu và Tây Hà Nội).

Như vậy, tòa nhà hỗn hợp đa năng cao 51 tầng nổi trên lô đất có tổng diện tích gần 4.600m2, tổng diện tích sàn là 103.104m2 và 688 căn hộ, dự án Hà Nội Landmark Tower hứa hẹn đem lại doanh thu tới hơn 4.100 tỷ đồng. Tức là vượt xa tất cả các khoản nợ hiện tại và hứa hẹn hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho Sông Đà 1.01.

Mặt khác, dự án này có thể gia tăng lợi nhuận hơn nữa, vì hiện tại nguồn cung chung cư tại Hà Nội khá khan hiếm, cho phép kỳ vọng giá chung cư sẽ tăng cao hơn nữa , đặc biệt tại khu vực phía Tây Thủ đô, nơi dự án đang tọa lạc.

Rủi ro từ nợ vay và khả năng doanh thu

Tuy nhiên, hiện chỉ duy nhất yếu tố thuận lợi do giá chung cư đang neo ở mức cao, cho phép các cổ đông Sông Đà 1.01 kỳ vọng lợi nhuận lớn từ dự án của doanh nghiệp này. Còn lại, các chỉ số của doanh nghiệp đều đang ở mức rất xấu. Thậm chí, sau 5 năm “đóng băng” nguy cơ phá sản đã hiện rõ với Sông Đà 1.01. 

Ghi nhận trên báo cáo tài chính của Sông Đà 1.01 cho thấy, nếu giai đoạn 2007 – 2012, cong ty vẫn có mức doanh thu trung bình trên 150 tỷ đồng/năm cùng lợi nhuận ròng trên 12 tỷ đồng/năm, thì năm 2013, doanh thu đã giảm một nửa chỉ còn 74,5 tỷ đồng cùng lợi nhuận gần 3 tỷ đồng.

Chuyển chủ, Sông Đà 1.01 có gì hấp dẫn?
Dự án EcoGreen Tower của Sông Đà 1.01 thời điểm đang thi công

Những năm tiếp theo, doanh thu sụt giảm mạnh mẽ hơn khi giai đoạn 2014 – 2016, doanh thu lần lượt chỉ là 7,85 tỷ đồng, 12,9 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận cũng chỉ còn 165 triệu (2014), 1,1 tỷ (2015) và âm 3,6 tỷ đồng (năm 2016).

Giai đoạn 2017-2020 tình hình cũng không mấy khả quan hơn với doanh thu trung bình khoảng gần 20 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ có năm 2017 ghi nhận dương 191 triệu đồng, năm 2019 là hơn 71 triệu đồng, còn năm 2018, 202  lần lượt âm 1,7 tỷ đồng và 500 triệu đồng.

Dù chưa nộp báo cáo tài chính cả năm 2021, nhưng theo báo cáo tà chính tự lập quý IV của Sông Đà 1.01, doanh thu cả năm đạt gần 45,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 cũng không có tiến triển gì khi ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 99 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Sông Đà 1.01 lỗ ròng hơn 144 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2,5 tỷ đồng.

Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận liên tục ở mức âm, song các khoản vay của Sông Đà 1.01 lại tăng với tốc độ phi mã. Nếu như năm 2013, khoản mục nợ phải trả của doanh nghiệp mới chỉ ghi nhận 124,2 tỷ đồng thì đến ngày 30/9/2022 con số này đã là 1.494 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Sông Đà 1.01 ghi nhận hơn 1.597 tỷ. Vậy khoản nợ phải trả 1.494 tỷ đồng nói trên đang chiếm tới gần 94% tổng giá trị tài sản, gấp gấp 15 lần vốn chủ sở hữu (gần 99,3 tỷ đồng).

Về cơ cấu nợ, trong tổng số hơn 1.494 tỷ đồng nợ phải trả, nợ ngắn hạn của Sông Đà 1.01 ghi nhận 818,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay tài chính (527,9 tỷ đồng) và phải trả người bán ngắn hạn (143,3 tỷ đồng); nợ dài hạn ghi nhận 699,3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn (698,5 tỷ đồng).

Cần lưu ý, dự án Hà Nội Landmark Tower của Sông Đà 1.01 hiện đã bị ngân hàng PVCombank thu giữ và đang trong quá trình tiến hành khởi kiện để thu hồi nợ. Đồng thời, doanh nghiệp còn đang chịu hàng trăm tỷ đồng nợ nhà thầu, người mua nhà, nợ cá nhân của công ty.

Do đó, thách thức lớn nhất với dàn lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 là phải xử lý được các rối rắm tài chính này… Để có thể tái khởi động và thu lợi nhuận từ dự án Hà Nội Landmark Tower, và tái đầu tư sang các dự án khác, chính thức hoàn tất quá trình hồi sinh Sông Đà 1.01.

Sau nhiều năm đóng băng hoạt động, thời gian gần đây, CTCP Sông Đà 1.01 xuất hiện biến động về cơ cấu sở hữu, với những cổ đông mới. Cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 liên tiếp tăng trần, giao dịch nhộn nhịp vài tháng gần đây, dù chỉ được khớp lệnh vào thứ 6 hàng tuần. Tính đến ngày 21/12, cổ phiếu SJC đang giao dịch tại mức giá 13.600 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 870% so với hồi đầu tháng 7 (1.400 đồng/cp).

Ngày 30/11, Sông Đà 1.01 thông báo về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 31/12. Với nội dung thông qua việc thay đổi điều lệ, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…