Chúng ta đã chứng kiến cách mà đại dịch Covid-19 khiến chuyển đổi kỹ thuật số tăng tốc tích cực trong các ngành công nghiệp lớn. Chính sự không chắc chắn diễn trong thời buổi hiện nay đã khiến việc chuyển đổi kỹ thuật số bỗng trở thành bắt buộc thay vì mang tính tự nguyện như trước đây.
Các doanh nghiệp phải chấp nhận số hóa và tự động hóa để có thể tồn tại và linh hoạt hơn trước các cuộc khủng hoảng. Nghiên cứu thực hiện bởi Constellation Research phối hợp với WalkMe đã khảo sát 500 CIO của Fortune và tiết lộ rằng 77% CIO chia sẻ, chuyển đổi kỹ thuật số là ưu tiên ngân sách lớn nhất của họ cho năm 2021. Báo cáo cũng cho biết các CIO đều có kế hoạch tăng ngân sách chi tiêu cho CNTT trong năm, dựa trên thực trạng bắt buộc phải làm việc từ xa.
Mặc dù quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong năm ngoái có chút vội vã, nhưng nó đã mang tới nhiều bài học kinh nghiệm giúp chúng ta nhận ra sai lầm để không bị lặp lại khi xác định lại số hóa vào năm 2021.
Đặt khách hàng vào vị trí trung tâm của cuộc đua số hoá
Doanh nghiệp nên coi khách hàng là yếu tố quý giá nhất và do đó, chuyển đổi kỹ thuật số nên được thực hiện để cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Các công nghệ như AI và phân tích dự đoán có thể được tận dụng để hiểu thêm nhu cầu, xu hướng của khách hàng. Nhiều công ty thành công đã và đang sử dụng giao diện web nhằm xác định hành vi của người tiêu dùng và thực hiện thay đổi trong thiết kế sản phẩm/dịch vụ dựa trên theo kết quả thu nhận được.
Bên cạnh đó, tương tác với khách hàng cũng là một yếu tố quyết định cho sự phát triển của một doanh nghiệp. Ngày nay, hầu hết khách hàng đều có thể cung cấp phản hồi, ý kiến thông qua các nền tảng truyền thông xã hội. Doanh nghiệp nên tập trung vào việc thu thập thông tin phản hồi thường xuyên và điều chỉnh dựa trên những ý kiến đó. Hơn nữa, điều này cũng sẽ làm tăng khả năng tiếp cận nhiều nhóm đối tượng khách hàng hơn nữa và giúp thương hiệu đạt được sự tin tưởng của khách hàng.
Tối ưu hóa, tự động hóa để tăng trưởng kinh doanh
Tự động hóa quy trình kinh doanh đã mang đến tác động tích cực trong nhiều mặt. Ví dụ, “tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA)” được chứng minh là giúp tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại với tốc độ nhanh hơn và độ chính xác tối đa, giúp giảm bớt khối lượng công việc của nhân viên và cho phép họ tập trung vào các nhiệm vụ cần mức độ ưu tiên cao hơn.
Hiện nay, tự động hóa đã được thúc đẩy lên một cấp độ mới khi nó có thể được áp dụng trong nhiều đầu công việc. Một nghiên cứu của Forrester tiết lộ, vào năm 2021, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm đến AI để giải quyết các thách thức do đại dịch gây ra. Điển hình như việc áp dụng AI để trích xuất tài liệu, thúc đẩy dịch vụ chăm sóc khách hàng, theo dõi sức khỏe khi trở lại làm việc và rô bốt bán hàng tự động.
Sử dụng các công nghệ tự động hóa tiên tiến có thể mang lại tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng cần được thực hiện, đánh giá một cách hợp lý, hạn chế tối đa các rủi ro tiềm tàng.
Nâng cao kỹ năng làm việc của nhân viên
Chuyển đổi kỹ thuật số chỉ có thể diễn ra tốt đẹp với sự hỗ trợ của lực lượng lao động có tay nghề. Nhu cầu “đột ngột” về số hóa trong thời kỳ đại dịch có lẽ cung cấp không đủ thời gian cho các ngành công nghiệp kịp thời nâng cao kỹ năng cần thiết mới cho nhân viên. Rất nhiều trường hợp đã buộc phải nghỉ việc vì chưa thể nắm bắt được những yêu cầu kỹ thuật số mới.
Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị, đầu tư vào các chiến lược đào tạo nâng cao kỹ năng sử dụng kỹ thuật số của bộ máy công ty. Các doanh nghiệp hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số nên khuyến khích sự tham gia của nhân viên bằng cách đẩy mạnh tương tác và tiếp nhận phản.
Tập trung quản lý an ninh mạng
Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình số hóa và tự động hóa nhưng cũng đặt ra câu hỏi đối với an ninh mạng và tầm quan trọng của nó. Năm ngoái, hầu hết người tiêu dùng cũng như các tổ chức kinh doanh đã phải chuyển sang sử dụng nền tảng thương mại trực tuyến. Việc giãn cách và đóng cửa đã khiến các cửa hàng truyền thống rơi vào bế tắc, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch vụ trực tuyến mở rộng. Nhưng cũng chính sự thay đổi đó đã khiến tình trạng tấn công, vi phạm thông tin cá nhân, lừa đảo trên mạng gia tăng đột biến.
Rõ ràng, việc số hóa chứa đựng rất nhiều rủi ro và để giảm thiểu những rủi ro đó, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước sẽ cần phải tập trung, chặt chẽ hơn nữa đối với an ninh mạng.
Việc chuyển đổi sang hệ sinh thái làm việc từ xa cũng đã khiến việc bảo mật dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các biện pháp bảo mật bổ sung cần được kết hợp bằng cách sử dụng AI, xác minh danh tính kỹ thuật số, xác thực hai yếu tố, v.v., để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nguồn: Analytics Insight