Tín dụng ngân hàng luôn là một trong những kênh hỗ trợ vốn đắc lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế còn khá nhiều công ty, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Nút thắt vốn của doanh nghiệp SME
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021).
Nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn ở mức thấp được Ngân hàng Nhà nước và giới chuyên gia nhận định chủ yếu là cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp SME được xem là nhóm yếu thế, có khả năng chống chọi thấp và hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế TS.Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho biết có ba vấn đề nút thắt của việc tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp SME.
Thứ nhất, nguồn lực để cho vay trong nền kinh tế có giới hạn. Tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế là 12,2 triệu tỷ đồng đã đến mức khoảng 125% GDP. Đây là mức gần như cao nhất trong ASEAN, cao hơn rất nhiều so với các nước OECD.
Theo ông Lê Duy Bình: “Chúng ta không thể nâng quá cao mức tổng dư nợ của nền kinh tế nữa. Tôi nghĩ rằng có một mức trần giới hạn nào đó, về khả năng của ngân hàng. Một là huy động, hai là mức trần mà có thể cho vay đối với nền kinh tế. Nếu chúng ta cho vay quá nhiều, điều đó sẽ tổn hại đến kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế của chúng ta tiếp tục sẽ trở thành nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đi ngược lại tất cả thông lệ tốt của quốc tế”.
Thứ hai, các doanh nghiệp SME phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt, vừa phải cạnh tranh rất lớn với doanh nghiệp khác như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho vay dân cư, cho vay tiêu dùng.
Thứ ba, những yêu cầu về chuẩn mực cho vay của ngành ngân hàng ngày càng cao. Tất cả ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực như là phải đáp ứng Basel II, Basel III. Song song với đó, ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu thì có rất nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng.
Như vậy, tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng bắt buộc cũng sẽ phải nâng lên. Phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phải được thực hiện một cách rõ ràng hơn. Yêu cầu về quản trị của doanh nghiệp cũng sẽ phải chặt chẽ hơn.
Ông Bình nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên quan đến năng lực quản trị, duy trì hệ thống sổ sách kế toán có minh bạch không, có tuân thủ quy định pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội không. Đây là những tiêu chí đầu tiên mà ngân hàng thẩm định”.
Một ý kiến khác, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp SME với các ngân hàng. Nút thắt thì nhiều. Ngân hàng Nhà nước nhận thức rõ ràng và phân loại ra 2 loại khó khăn.
Trước hết là khó khăn về vấn đề tài chính, áp lực trả nợ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, là giải pháp giữ minh bạch về tài chính cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là giải pháp giúp các doanh nghiệp SME tìm kiếm các cơ hội sản xuất kinh doanh mới.
Vị chuyên gia này cho rằng: “Phương án kinh doanh của doanh nghiệp SME rất yếu, phương án kinh doanh mới không có. Ngân hàng vì thế không có cơ sở để cho vay mới. Tức là điều kiện cơ bản để vay vốn chưa có, ngân hàng không thể cho khách hàng cầm tiền thích làm gì thì làm được. Trong điều kiện quản lý khoản vay cũng như điều kiện quản lý minh bạch rất cao. Nhất là khi ngân hàng đang áp dụng chuyển đổi số và có nhiều quy định quản trị rủi ro, quản trị điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Việc cho vay mạo hiểm thì các ngân hàng không dám làm”.
Phải thêm nhiều kênh vốn khác
Bàn về việc doanh nghiệp phải năng động hơn trong các kênh huy động vốn khác thay vì tập trung vào tín dụng của ngân hàng, theo góc nhìn của TS.Lê Duy Bình, nguồn vốn cho vay trung và dài hạn của nền kinh tế từ ngành ngân hàng sẽ dần dần giảm xuống, chỉ khi huy động được trung hạn thì mới được cho vay trung hạn và dài hạn và không thể dùng quá nhiều nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn.
Như vậy, cung ứng vốn trung và dài hạn của ngân hàng cũng sẽ có mức giới hạn nhất định. Doanh nghiệp bắt buộc phải dựa vào các nguồn vốn khác. Những doanh nghiệp cổ phần có nhiều kênh như phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Đó là nguồn vốn cơ bản nhất của các doanh nghiệp.
Một kênh khác là phát hành trái phiếu. Trong 3 - 4 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển thần kỳ của thị trường trái phiếu nhưng đáng tiếc là dựa trên nền tảng không vững chắc.
Chính sự phát triển thần kỳ của một số doanh nghiệp lớn đã tác động tiêu cực đến việc huy động vốn thông qua trái phiếu của các doanh nghiệp SME. Một số phương án hoặc việc sử dụng vốn từ trái phiếu của một số doanh nghiệp lớn đã làm ngưng trệ thị trường trái phiếu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tôi cho rằng nếu chúng ta có những biện pháp tốt, cơ chế pháp lý tốt và tạo ra nền tảng thuận lợi hơn thì chắc chắn niềm tin đó sẽ được phục hồi. Các doanh nghiệp nếu có phương án phát hành tốt và minh bạch, có tiêu chuẩn với sự giám sát chặt chẽ hơn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan giám sát, cơ quan lưu ký, thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ quay trở lại. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp cỡ vừa vì họ có khả năng cung cấp thông tin, hệ thống thông tin và khả năng phát hành trái phiếu”, ông Bình kỳ vọng.