Một ngày sau khi Bộ Công thương tổ chức đấu giá thành công hơn 53% cổ phần nhà nước sở hữu ở Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) và thu về gần 110.000 tỉ đồng, ngày 19/12, cổ phiếu SAB kết thúc phiên giao dịch tiếp tục giảm 21.600 đồng/CP xuống mức giá sàn.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng bán được mức giá trên là khá hời so với giá trị thực của cổ phiếu Sabeco tại thời điểm đấu giá. Bởi nhà đầu tư sở hữu hơn 343,6 triệu cổ phần vừa mua được, bị “mất” khoảng 3.711 tỷ đồng chỉ ngay sau khi đấu giá thành công vì kết phiên giao dịch ngày 18.12, thời điểm Sabeco được đấu giá và bán thành công mức giá trung bình 320.000 đồng/CP, cổ phiếu SAB trên thị trường cũng chỉ ở mức 309.200 đồng/CP.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Nam Sơn, sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, nếu nói mức giá trên là hời hay không ngay thì chưa chính xác.
“Trước hết, đó là mức giá rất tốt. Tốt hơn nhiều cổ phiếu một số doanh nghiệp nhà nước mà chúng ta đã bán đấu giá trước đây. Thực tế, Sabeco khi chưa bán là một công ty nhà nước, nên các khoản lợi nhuận có thể không cao bằng một công ty tư nhân. Thế nên, sau khi cổ phần hóa, về lâu dài, giá trị của cổ phiếu SAB sẽ còn cao hơn rất nhiều, có thể là gấp đôi khi đã được nhà đầu tư tư nhân ngoại bắt tay vào tái cơ cấu cho tốt hơn”, ông Sơn phân tích và nhấn mạnh, nhà đầu tư mua cổ phiếu Sabeco không phải là nhà đầu tư tài chính, mà là đầu tư sản xuất, nên chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận của một cổ phiếu - NV) trong tương lai sẽ ổn định và tốt hơn hiện tại.
“Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chỉ số P/E lên đến 40%, một chỉ số lợi nhuận trên một cổ phiếu rất cao tại các thị trường mới nổi. Trong khi Apple của Mỹ, P/E cũng chỉ đạt tầm 20-25%”, ông Nam nói thêm.
Theo các chuyên gia chứng khoán, chỉ số P/E của Sabeco đạt 43%, trong khi mức P/E trung bình của các công ty sản xuất bia rượu trong khu vực tầm 20%.
Còn theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đưa ra đánh giá mức giá trên hời hay không là khá vội vã. Bởi hiệu quả sẽ có ngay sau thời gian ngắn khi nhà đầu tư bắt tay vào tái cơ cấu. “Tôi tin giá trị của Sabeco thực chất còn cao hơn, bởi một doanh nghiệp nắm gần 50% thị phần bia tại thị trường tiêu thụ bia khổng lồ như Việt Nam thì mức độ tăng trưởng còn khá lạc quan. Tuy nhiên, phải nói rằng bán được mức giá tốt, sẽ tạo đà tốt cho những lần bán đấu giá cổ phần hóa các công ty nhà nước khác sau này. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước vào hàng “ngon” như Sabeco không còn nhiều nữa, nên để lập lại một cuộc đấu giá với giá tốt như vừa qua cũng là điều không dễ”.
Một số ý kiến khác lại cho rằng nhà đầu tư ngoại mua Sabeco đang nhìn vào thị trường bia Việt Nam chứ không phải nhìn vào thương hiệu doanh nghiệp. “Không nên nhìn vào một thương vụ 5-7 tỷ USD để kết luận là hời hay không. Bán được giá tốt, nhưng chi phí cơ hội để chúng ta có lại một thương hiệu lớn như Sabeco hiện là rất khó. Đó mới chính là cái chúng ta mất đi”, ông Hiếu nhận định.
Theo Thanhnien