Chuyện nhà giàu ở Myanmar

Giới thượng lưu mới nổi cho rằng Myanmar đang có một số chuyển biến mạnh. Vì thế, họ cho rằng chẳng có vấn đề gì khi cho phép mình vung tiền thoải mái sau khoảng thời gian dài bị cấm đoán.

Một buổi chiều thứ bảy yên ả trên bến Wardan thành phố Yangon (Myanmar), công nhân tạm ngừng xếp dỡ hàng từ những con tàu đánh cá ọp ẹp, người bán rau ngồi lặng im và những người lái xe kéo đã thôi chèo kéo khách qua đường. Tất cả đều chăm chú quan sát một nhóm người ăn mặc sang trọng, đến từ Hồng Kông, London và một số nơi khác, đang rón rén bước đi trên con đường đất lầy lội để tránh làm vấy bẩn lên áo quần. Điểm đến của họ là Transit Tred 1 - một khu nhà kho với mái tôn hoen gỉ, nằm lẫn với khung cảnh tồi tàn xung quanh.

Thế nhưng, bên trong Transit Shed 1 (TS1) là một thế giới hoàn toàn khác so với hình ảnh đất nước nghèo gần nhất châu Á như Myanmar - chỉ sau Afghanistan và Nepal. Mở cửa vào buổi tối, nơi đây có cả khu bán lẻ và không gian triển lãm nghệ thuật, với khách hàng chỉ toàn những người có vai vế trong xã hội.

TS1 là sản phẩm của Ivan Pun - cậu út 29 tuổi từng học ở Đại hoc Oxford của Serge Pun - đại gia giàu có nhất nhì Myanmar. Nơi này được kỳ vọng sẽ truyền sức sống cho thành phố đang trong quá trình chuyển đổi cả về kinh tế lẫn chính trị này.

Ivan Pun bên ngoài khu TS1 ở Yangon (Myanmar). Ảnh: WSJ

Đi kèm với làn gió thời thượng này là những nhãn giá khiến người ta phải tròn mắt. Một chiếc ghế dài bằng gỗ tếch được dán nhãn 2.500 USD. Áo choàng và các vật phẩm khác đều gắn nhãn của riêng TS1 - MyanmarMade. Sắp tới tại đây cũng sẽ có buổi biểu diễn thời trang cao cấp với những cái tên nổi tiếng như Proenza Schouler hay Prabal Gurung - thương hiệu thường được Đệ nhất Phu nhân Mỹ - Michelle Obama và Công nương Anh - Kate Middleton lựa chọn.

"Chúng tôi muốn thử xem liệu Myanmar đã sẵn sàng cho những thay đổi như thế này hay chưa. Tôi nhận thấy cơn khát tiêu dùng tại đây vẫn chưa được thỏa mãn", Pun cho biết trên Wall Street Journal.

Tầm nhìn của Pun mới chỉ là sự bắt đầu cho một Myanmar mới, với vẻ hào nhoáng thịnh vượng có được nhờ khoản đầu tư từ những tài phiệt hồi hương. Khi Myanmar mở cửa năm 2011, Chính phủ đã nới lỏng một số quy định và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Các nước phương Tây cũng dần dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này. Myanmar đang chuẩn bị đón nhận phong cách tiêu dùng kiểu phương Tây, còn những người như Pun đóng vai trò tạo ra thị hiếu.

Pun không hề tỏ ra nản lòng dù Myanmar hiện tại vẫn là một nước nghèo, với GDP bình quân chỉ khoảng 1.700 USD mỗi năm, thấp hơn nhiều so với Singapore (62.400 USD) và Mỹ (52.800 USD), theo CIA World Factbook.

Cha của Ivan Pun - Serge Pun là ông trùm bất động sản và ngân hàng Myanmar, với tổng tài sản hiện tại 600 triệu USD, tăng 100 triệu USD so với năm ngoái, theo Forbes. Hàng ngày, cậu đều lái chiếc Toyota trắng đến TS1, có email thì trả lời qua điện thoại. Hệ thống viễn thông tại Myanmar còn chưa hỗ trợ những dịch vụ như vậy tại hầu hết các thành phố trong nước. Nhưng cũng chẳng sao, vì xe của Pun có lắp đặt hệ thống wifi riêng cho anh.

Câu lạc bộ chèo thuyền Yangon - Yangon Sailing Club cũng đang là chốn giải trí cho tầng lớp thượng lưu ngày một nhiều lên tại Myanmar. Hội viên của câu lạc bộ này đã tăng 30% trong năm qua. Được thành lập năm 1924, Sailing Club từng bị phá hủy trong Đại chiến Thế giới II và siêu bão năm 2008. Nhưng gần đây, tòa nhà của câu lạc bộ, nhà hàng, quán bar và kho để thuyền của họ đã được khôi phục, chủ yếu bằng tiền của gia đình Moe Myint.

Michael Moe Myint là nhà sưu tầm sách hiếm giàu có nổi tiếng và cũng là người đứng đầu hãng dịch vụ dầu khí tư nhân lớn nhất Myanmar - MPRL E&P. Con trai ông - Carl Moe Myint (29 tuổi) từng học kinh tế tại Mỹ. Anh đang giúp gia đình xây dựng Ngwe Saung Yacht Club - trung tâm du thuyền - nghỉ dưỡng với kinh phí 17 triệu USD.

"Tiền không phải là vấn đề. Chúng tôi làm thế này để phục vụ nhu cầu bơi thuyền và đảm bảo rằng với doanh thu của mình, môn thể thao này có thể tồn tại ở đây", anh nói. Carl dự định phát triển câu lạc bộ thành bến du thuyền lớn trong thập kỷ tới, do người Myanmar đang rất hào hứng với phương tiện này.

Carl Moe Myint đang huấn luyện đội chèo thuyền tại câu lạc bộ. Ảnh: WSJ.

Chính sách mở cửa đã mang lại cơ hội lớn cho Myanmar, khi Chính phủ cấp phép hoạt động cho các ngành nghề từ ngân hàng, khai thác dầu khí đến mạng viễn thông. Theo Wealth-X, Myanmar hiện có khoảng 40 người siêu giàu (tài sản từ 30 triệu USD trở lên). Tuy nhiên, con số này có thể tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới, dự đoán gấp 7 lần trong thập kỷ tới.

Dấu hiệu giàu có đã bắt đầu xuất hiện tại Myanmar. Sau khi gỡ lệnh cấm nhập khẩu xe hơi, giờ đây các showroom ôtô đã có thể chào bán những chiếc Rolls Royce và Jaguar xa xỉ. Người dân cũng chẳng khó bắt gặp những dòng xe hạng sang như Ferrari, Bentley, Porsche hay thậm chí là Bugatti Veyron đỗ kế bên dãy taxi xập xệ trên đường.

Giá bất động sản cao cấp ở Yangon, thủ phủ thương mại của Myanmar, cũng đang tăng vọt. Một căn nhà hai tầng bốn phòng ngủ trong khu Golden Valley có giá thuê tới 10.000 USD một tháng. Nhiều gia đình đã phá đi căn nhà một tầng từ thời thuộc địa, thay vào đó là biệt thự lộng lẫy. Còn con cái của họ mỗi tối lại tụ tập ở những hộp đêm thưởng thức Jonnie Walker nhãn xanh.

Myanmar cũng đang rơi vào tầm ngắm của những hãng quản lý tài sản và thương hiệu cao cấp, khi những hãng này đang kiếm tìm đầu ra mới trong bối cảnh thị trường Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc. Năm ngoái, người Myanmar chỉ chi 1,9 triệu USD mua rượu, theo Euromonitor International, nhưng con số này được dự đoán tăng gấp đôi năm 2018. "Myanmar là nền kinh tế cuối cùng ở châu Á có tốc độ tăng trưởng thần kỳ như vậy", Euromonitor nhận định.

"Đến tôi cũng không ngờ người Myanmar lại nhiều tiền như vậy. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hàng xe Ferrari và BMW bóng loáng đậu bên ngoài những sự kiện đông đúc, nhất là đám cưới. Mọi người đều không ngần ngại phô trương sự giàu có của mình", Ivan Pun cho biết.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Myanmar có thể bắt nhịp với mức tăng trưởng nhanh chóng này mà không gây ra mâu thuẫn giai cấp hay không. Mới chỉ vài năm trước, chính quyền Myanmar vẫn còn phản đối những khoản tiêu dùng dễ gây chú ý, và số ít nhà giàu ở đây thậm chí phải che giấu tài sản của mình trong các tài khoản ở nước ngoài.

Còn hiện tại, giới thượng lưu mới nổi cho rằng Myanmar đang có một số chuyển biến mạnh. Vì thế, họ cho rằng chẳng có vấn đề gì khi cho phép mình vung tiền thoải mái sau khoảng thời gian dài bị cấm đoán.

"Những khoản tiền được che giấu bấy lâu đang được đem ra sử dụng. Với người giàu, đây là một cuộc đua. Một người mua Ferrari thì người kia sẽ mua Bentley, người này xây biệt thự 5 tầng thì người kia sẽ xây biệt thự 6 tầng. Thật ngớ ngẩn. Chúng ta chẳng cần World Bank hay IMF, chỉ cần những người giàu này tiêu tiền một cách khôn ngoan hơn mà thôi", Cheery Zahau, nhà hoạt động dân chủ người Myanmar nhận xét.

Patrick Robert – kỹ sư người Pháp 67 tuổi đã sống ở Yangon 20 năm nay cho biết ông cảm thấy rất phiền về cách giới thượng lưu nước này chi tiêu. Hồi tháng 4, ông tổ chức du lịch châu Âu cho một người giàu Myanmar cùng vợ và hai con. Vì đây là chuyến đi đầu tiên, vị khách này muốn Robert chỉ cho xem tất cả những gì tráng lệ nhất tại châu Âu.

Robert đã sắp xếp riêng một buổi đi thăm bảo tàng Louvre ở Paris trong giờ chưa mở cho khách tham quan. Tuy nhiên, doanh nhân Myanmar chẳng có vẻ gì là hứng thú.

"Trong một tuần ở London, Rome và Paris, tất cả những gì họ làm là mua sắm. Chỗ này mua Chanel, chỗ kia tậu Louis Vuitton. Lúc nào cũng chỉ chăm chăm mua mà thôi", ông nói. Điều mà triệu phú Myanmar tỏ ra biết ơn nhất với Robert là đã giúp ông này mua chiếc túi xách Hermès Birkin 80.000 USD cho vợ chỉ trong một ngày, thay vì chờ 3 tháng đến vài năm như trước kia. "Những người giàu mới nổi này mang lại cho tôi quá nhiều vấn đề", ông than thở.

Nguồn: Wall Street Journal