Còn lại 0,01% không tán thành, không bao gồm phần vốn của SCIC là cổ đông có liên quan. ĐHĐCĐ cũng đã giao hội đồng quản trị của Tisco phối hợp với SCIC thực hiện các thủ tục rút vốn của SCIC theo đúng quy định và trình tự pháp luật.
Trước đó vào ngày 17/4, SCIC đã có văn bản gửi Tisco đề nghị công ty này bổ sung nội dung thông qua phương án rút vốn (1.000 tỷ đồng) của SCIC theo phương thức rút vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ vào Chương trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
1.000 tỷ đồng này là giá trị số cổ phiếu riêng lẻ được Tisco phát hành cho SCIC hồi năm 2015 để tăng vốn, thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khi dự án này khởi động lại. Song số tiền này lại đang được Tisco gửi ngân hàng với lãi suất 5,3 - 5,5%/năm.
Việc mang tiền đi gửi ngân hàng được Tisco lý giải, do trong năm 2016 không phát sinh việc thanh toán cho dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn 2 nên số vốn trên vẫn chưa được sử dụng để thanh toán cho dự án này.
Được biết, tại phiên họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, nhà máy ngành công thương hồi cuối tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC rút 1.000 tỷ đồng này ra khỏi Tisco "càng sớm càng tốt", theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm minh bạch.
Hiện SCIC đã gửi báo cáo về các phương án thực hiện rút 1.000 tỷ đồng trên tới Bộ Tài chính và lãnh đạo Chính phủ. Trong buổi gặp mặt báo chí quý I/2017, mặc dù không đề cập đến vấn đề rút vốn khỏi Tisco, song ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhấn mạnh, việc thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đều phải đảm bảo mục đích cao nhất là bảo toàn và phát triển đồng vốn Nhà nước sau khi thoái vốn./.