Từ những phi vụ bán vốn “khủng”…
Hiện nay, có hơn 700 DN niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM. Tổng giá trị vốn hóa của DN niêm yết lên tới 1.144.000 tỷ đồng, chưa kể, hàng nghìn DN, ngân hàng chưa niêm yết. Trái ngược với sự sôi động trên sàn chứng khoán, hoạt động chuyển nhượng vốn lại diễn ra “âm thầm” với những phi vụ mua bán gây “choáng” cho cổ đông, nhà đầu tư.
Điển hình như Công ty CP Đầu tư F.I.T (mã: FIT) gây chú ý trên sàn chứng khoán với phi vụ “thâu tóm” thành công Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (mã: DCL). Trước đó, FIT đã lặng lẽ mua gom 1,599 triệu cổ phiếu này (tỷ lệ 16,13% vốn điều lệ) và trở thành cổ đông lớn của Dược Cửu Long.
Ngày 14-5, FIT tiếp tục mua được hơn 4,35 triệu cổ phiếu DCL, tăng sở hữu lên 5,954 triệu cổ phiếu (chiếm 60,07% vốn điều lệ), hoàn thành kế hoạch “thâu tóm” công ty lớn trong ngành dược này.
Cùng thời điểm FIT muốn “gom” cổ phiếu DCL, giao dịch khớp lệnh qua sàn mã DCL chỉ từ 8.000- 23.000 đơn vị trong 4 phiên liền (với giá giao dịch từ 41.000-46.000 đồng/CP). Do đó, chưa rõ FIT đã gom cổ phiếu DCL khi nào?
Trước đó, Dược Cửu Long cho biết có tám cổ đông đã đồng ý chuyển nhượng 4,35 triệu cổ phiếu cho FIT trong tháng 5-2015. Giao dịch lớn nhất là 1,6 triệu cổ phiếu DCL (tỷ lệ 16,18%) từ cổ đông lớn - ông Đỗ Văn Khá, còn cổ đông bán ít nhất là 287.000 cổ phiếu.
Nếu tính theo giá khớp lệnh, FIT đã phải chi ra tối thiểu 178,35 tỷ đồng để gom cổ phiếu DCL. Theo quy định tính thuế chuyển nhượng chứng khoán, tám cá nhân bán vốn sẽ phải nộp 20% chênh lệch giữa giá bán ra và giá vốn. Hoặc nộp thuế tính trên 0,1% tổng giá trị bán ra, tức tối thiểu 178,35 triệu đồng.
Một trường hợp khác, hai cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn FLC (mã:FLC) vừa gây xôn xao khi chuyển nhượng 39 triệu cổ phiếu FLC mà… chậm công bố thông tin.
Cụ thể, ngày 12/6, Công ty CP Đầu tư Fujikaen Việt Nam cũng bán 13,9 triệu cổ phiếu FLC, thu về trên 132 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào các ngày 16 đến 19-6, CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản Magnus Capital đã bán 25 triệu cổ phiếu FLC, giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,4% xuống 4,7%. Nhờ đó, Magnus Capital có thể thu về khoảng 226,35 tỷ đồng.
Chỉ tính 0,1% giá trị chuyển nhượng (hai giao dịch là 358,35 tỷ đồng), thì hai cổ đông này sẽ phải nộp số tiền thuế tối thiểu là 358,35 triệu đồng.
Không khai báo thuế, chuyển nhượng vốn lòng vòng
Thực tế, năm 2014, Cục thuế TP.HCM đã tiến hành thanh tra hai DN có giao dịch CNCP lớn là Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ và Công ty cổ phần sản xuất thương mại - dịch vụ phở 24. Kết quả, một cá nhân bị truy thu và phạt hơn 156 tỷ đồng khi bán 8,43 triệu cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ.
Trong vụ Phở 24, Cục thuế TP.HCM đã xử lý một công ty và sáu cá nhân vi phạm không kê khai thuế thu nhập DN khi CNCP. Số tiền thuế truy thu lên tới 17,8 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, theo Cục trưởng Cục thuế TP.Hà Nội Hà Minh Hải, cơ quan này cũng đang xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề về hoạt động CNCP, tài sản DN... Cùng với đẩy mạnh thanh tra hoạt động chuyển giá, gian lận thuế để hạn chế thất thu thuế.
Nguy cơ thất thu thuế còn có thể nhìn thấy trong hoạt động CNCP “âm thầm” ở các DN chưa niêm yết, không minh bạch thông tin, cá nhân nội bộ. Nhất là khi DN lập ra nhiều công ty, chi nhánh, đổi tên, thay đổi địa chỉ… để chuyển nhượng lòng vòng.
Đơn cử, năm 2010, Tập đoàn FLC đã mua 99,13% cổ phần Công ty TNHH Hải Châu từ Công ty cổ phần FLC Global (sau đổi tên thành Công ty CP liên doanh đầu tư quốc tế FLC, nay là Công ty CP liên doanh đầu tư quốc tế KLF có mã: KLF).
Tháng 9/2012, KLF đã mua lại 99,13% cổ phần Hải Châu từ FLC với giá trị ghi nhận 100 tỷ đồng (gồm 27,7 tỷ đồng lợi thế thương mại).
Đến tháng 1/2014, KLF lại bán đi 50,13% cổ phần (giá trị 35,09 tỷ đồng) cho chính FLC. Tức, giá bán thấp hơn giá vốn tới 15% hay nói cách khác, thương vụ này FLC đã bị “lỗ”.
Điều đáng ngạc nhiên là năm 2012, FLC có doanh thu hoạt động tài chính là 102 tỷ đồng, và riêng CNCP đóng góp tiền lãi tới 60,6 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận trước thuế khai báo chỉ có 38,6 tỷ đồng và nộp thuế có… 2,3 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2014, hoạt động CNCP của FLC có quy mô lên tới 768 tỷ đồng. Trong đó, FLC mua lại 99% vốn của Công ty TNHH Đầu tư và quản lý tòa nhà Ion Complex từ ông Nguyễn Văn Mạnh với giá 198 tỷ đồng. Sau đó, bán lại 50% cổ phần này cho ông Trịnh Văn Đại (ước tính là 100 tỷ đồng)…
Giao dịch giá trị lớn, nhưng số tiền thuế thu nhập DN của FLC được xác định là 97,86 tỷ đồng (tính trên lợi nhận trước thuế là 454 tỷ đồng) và tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 647,4 triệu đồng (thu hộ nhà nước).
Trong số này, chưa rõ các cá nhân nêu trên cùng các cổ đông khác đã kê khai, nộp thuế như thế nào? Vì chỉ tính 0,1% trên giá trị CNCP (198 tỷ đồng + 100 tỷ đồng +300 tỷ đồng), số tiền thuế phải nộp đã là…598 triệu đồng, gần bằng số thuế TNCN mà cả Tập đoàn FLC phải nộp.
Vấn đề đặt ra là, trong các giao dịch CNCP, các cổ đông có tuân thủ quy định về kê khai, khai báo và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước?
Theo Hải Hà - Thời Nay (báo Nhân Dân)