Cổ đông khốn đốn với doanh nghiệp lớn và kém minh bạch như… PVX

Vốn là doanh nghiệp (DN) “có số má” trong nhóm ngành xây dựng, nhưng nhiều năm qua, PVX khiến nhà đầu tư cũng như hàng nghìn cổ đông ngán ngẩm trước những yếu kém về công bố thông tin, hoạt động kinh
Cổ đông khốn đốn với doanh nghiệp lớn và kém minh bạch như… PVX

Niêm yết trên sàn HNX từ năm 2009 với giá chào sàn 27.000 đồng/CP, PVX mang đến nhiều nỗi đau cho nhà đầu tư…

Thị giá cổ phiếu chưa bằng... cốc trà đá

Mới đây, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) thông báo về việc thay đổi ngày chốt danh sách cổ đông để họp Đại hội cổ đông thường niên 2017 vào ngày 28/6/2017, thay vì ngày 24/4/2017 như thông báo trước đó.

Nguyên nhân theo Ban lãnh đạo PVX là do công tác chuẩn bị tài liệu tổ chức đại hội chưa hoàn thành, đồng thời danh sách được lập ngày 24/4 đã quá thời hạn quy định.

Thông tin này tiếp thêm sự ngán ngẩm cho những người đang là cổ đông bất đắc dĩ của PVX - một trong những doanh nghiệp có quy mô thuộc top đầu trong ngành xây dựng hiện nay.

Trước đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2017 được PVX công bố cũng không mấy khả quan, với doanh thu đạt 623,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) chỉ 4,07 tỷ đồng, cùng giảm mạnh so với cùng kỳ 2016 là 73% và 62%, trong đó LNST cổ đông Công ty mẹ vỏn vẹn 1,13 tỷ đồng. Những kết quả này trở nên quá lệch khi so sánh với quy mô tài sản hơn 13.700 tỷ đồng, hay vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng của Công ty.

“Với lợi nhuận như vậy, chưa biết đến bao giờ PVX mới có thể bù hết số lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ còn treo lơ lửng, chứ chưa nói đến việc được chia cổ tức”, một cổ đông PVX than thở.

Cổ đông khốn đốn với doanh nghiệp lớn và kém minh bạch như… PVX ảnh 1

Doanh thu và lợi nhuận của PVX giai đoạn 2013-2016

Năm 2016 là năm thứ 5 kể khi PVX ghi nhận lỗ 1.338 tỷ năm 2012. Theo quy định kế toán, doanh nghiệp chỉ được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát sinh. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, lợi ích từ bù trừ thuế do lỗ lũy kế sẽ kết thúc trong 2017.

Tương tự, con số lỗ 1.622 tỷ đồng của năm 2013 cũng sẽ kết thúc khả năng chuyển lỗ vào năm 2018, tức doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế thực tế theo số lợi nhuận làm ra, mà không còn được giảm trừ.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản “nóng” trở lại, nhiều doanh nghiệp cùng ngành ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ về doanh thu, lợi nhuận, mà còn về thị giá cổ phiếu, khi VN-Index cũng liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới trong 10 năm qua, song PVX vẫn ngụp lặn trong khó khăn khiến thị giá cổ phiếu PVX giảm về khoảng 2.000 đồng/CP - thấp nhất kể từ khi niêm yết.

Lo ngại về khả năng thanh toán

PVX là công ty con của Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN (hiện sở hữu 54,47% vốn PVX), được thành lập năm 2004. Bên cạnh thế mạnh hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp chuyên ngành dầu khí, PVX còn thực hiện nhiều dự án xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng. Xây lắp là mảng kinh doanh quan trọng nhất của PVX, thường xuyên đóng góp trên 90% doanh thu. Năm 2016, con số này đạt 96,41%.

Từ cuối 2014, việc giá dầu giảm mạnh khiến nhiều công trình, dự án dầu khí bị tạm dừng hoạt động, hoặc giãn tiến độ. Nhờ đa dạng hóa các mảng hoạt động xây dựng, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, doanh thu của PVX đã ghi nhận sự tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận vẫn khá èo uột.

Tính đến hết quý I/2017, tổng tài sản của PVX đạt 13.700 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho và khoản phải thu là 2 khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 39,93% và 28,27%. Tiền và tương đương tiền chỉ chiếm 6,1%.

Trong các khoản phải thu, có đến 92,8% là phải thu ngắn hạn, lớn nhất là phải thu ngắn hạn của khách hàng (48,36%) và trả trước cho người bán (28,25%). Đối với hàng tồn kho, chi phí sản xuất-kinh doanh dở dang chiếm 92,7%, tập trung vào các dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Chung cư PetroVietNam Landmark, Chung cư 33A (Vũng Tàu), Liên hợp hóa dầu Nghi Sơn…

Về cấu trúc tài chính, tỷ lệ nợ/nguồn vốn của PVX đạt 78,2%. Phần lớn nợ đến từ phải trả người bán ngắn hạn (39,95%) và người mua trả tiền trước (17,61%), vay nợ chịu lãi (24,24%).

Việc nợ ngắn hạn, chiếm 92,8% nợ phải trả và 72,58% tổng nguồn vốn, trong khi các tài sản ngắn hạn chủ yếu là phải thu, tồn kho, đã dẫn đến nhiều lo ngại về khả năng thanh toán của PVX, nhất là trong bối cảnh Công ty thường xuyên có các khoản nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, dù đã có lợi nhuận trở lại trong 3 năm trở lại đây, nhưng chỉ ở mức thấp khiến các chỉ số về khả năng sinh lời như ROA, ROE hầu như không đáng kể. Tính đến cuối quý I/2017, PVX còn lỗ lũy kế chưa phân phối 2.968,9 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế lớn, kém minh bạch, PVX mang lại gì cho cổ đông?

Một điểm đáng lưu ý trong thông tin tài chính của PVX là giữa các báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán thường xuyên có sự biến động và chênh lệch lớn.

Chẳng hạn, trong Báo cáo tài chính kiểm toán 2013, sau khi được kiểm toán, doanh thu hợp nhất của PVX giảm 135 tỷ đồng so với trước kiểm toán, trong khi giá vốn cùng một số chỉ tiêu khác được điều chỉnh giúp lỗ sau thuế giảm 404 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Năm 2014, sau kiểm toán, doanh thu thuần hợp nhất tuy chỉ giảm nhẹ so với số liệu trước kiểm toán, nhưng LNST giảm tới 87,2% so với số liệu trong BCTC tự lập.

Tiếp đến, năm 2015, LNST trước kiểm toán bị điều chỉnh giảm từ 51,7 tỷ đồng xuống còn 22,69 tỷ đồng sau kiểm toán( giảm 56%). Doanh thu thuần, doanh thu tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp… cũng bị điều chỉnh.

Mới nhất, trong Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 được công bố đầu tháng 4/2017, doanh thu 2016 bị điều chỉnh giảm gần 2%, nhưng LNST "bốc hơi" tới 41%, tương ứng 65,4 tỷ đồng so với con số trong báo cáo tự lập.

Nhiều phân tích cho rằng, những sai lệch lớn trong báo cáo của PVX hàng kỳ có một nguyên nhân là do hệ thống bộ máy của PVX quá cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả. Thay đổi do cập nhập số liệu từ các công ty con, công ty liên kết cũng là lý do xuất hiện thường xuyên trong các bản giải trình của PVX.

Với quy mô nghìn tỷ đồng, là tài sản của hàng nghìn cổ đông, tại sao tình trạng chênh lệch số liệu lớn lại xảy ra “như cơm bữa” với PVX? Dù với lý do nào thì việc báo cáo tài chính với các số liệu bị điều chỉnh sau mỗi kỳ kiểm toán, soát xét chênh lệch đến vài chục phần trăm trên hàng loạt yếu tố, từ doanh thu, giá vốn, hoạt động tài chính, chi phí quản lý đến chi phí dự phòng, lợi nhuận… đều khiến thị trường mất niềm tin vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một điều không thể không kể đến là hàng loạt ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh của kiểm toán về hoạt động của các công ty con, công ty liên kết, trích lập/hoàn nhập dự phòng…, dai dẳng từ kỳ này qua kỳ khác, càng khiến nhà đầu tư không biết tin vào đâu trong “ma trận” số liệu của PVX.

Ông Nguyễn Việt Hoàng, một nhà đầu tư cá nhân từng đầu tư vào PVX chia sẻ, thành công hay khó khăn là việc bình thường trong quá trình hoạt động của bất cứ doanh nghiệp nào. Song cái khó khiến ông phải cắt lỗ, rời bỏ PVX chính bởi không biết số liệu nào của PVX có thể được tin cậy, để đánh giá được giá trị thực sự của doanh nghiệp, kể cả với những con số được kiểm toán, chứ không hoàn toàn bởi con số lỗ “khủng” mà doanh nghiệp đang mang.

Để tồn tại và bước tiếp, PVX phải giải được 2 bài toán lớn là hiệu quả và lòng tin. Những người trụ lại với PVX hoặc buộc phải trụ lại vì không thể thoái hàng đang kỳ vọng, Đại hội đồng cổ đông tới đây, Ban lãnh đạo PVX sẽ có phương hướng, chiến lược hoạt động, tái cấu trúc mới để vượt qua nỗi ám ảnh về lỗ lũy kế, về kém minh bạch thông tin đã đeo bám PVX mấy năm liền.

Theo Khắc Lâm/ĐTCK

>> Kỳ vọng vào “game” thoái vốn, hàng loạt cổ phiếu “họ PVX” đồng loạt dậy sóng?

Có thể bạn quan tâm