ĐHCĐ thường niên của Techcombank ngày 23/4/2016
Đây là năm thứ 5 liên tiếp cổ đông nhà băng này phải "nhịn" cổ tức dù năm 2015 lợi nhuận ròng chưa phân phối còn tới 2.215 tỷ đồng. Tiền lời có thực hay chỉ là số liệu "ảo"?
Lãi nghìn tỷ, cổ đông nhận… không khí
Báo cáo với cổ đông, ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết kết quả kinh doanh năm 2015 của Techcombank rất khả quan. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 32 lên 39%, đạt 111.626 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,38% xuống 1,67% dư nợ là mức giảm ấn tượng trong hệ thống.
Ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ dự phòng nợ xấu lên 62,5% cuối năm 2015. Huy động vốn đạt 142.240 tỷ đồng, tăng trưởng 8% là mức tăng bền vững. Do chi phí hoạt động giảm mạnh từ 47% xuống 39%, nên lợi nhuận của Techcombank cải thiện tích cực, đạt 2.037 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 44%) và sau thuế là 1.529 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2015, lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính còn lại hơn 2.215 tỷ đồng.
Dù có hơn 2.215 tỷ đồng lợi nhuận ròng, song HĐQT tiếp tục trình cổ đông chấp thuận giữ lại khoản lợi nhuận không chia cổ tức để dồn nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, trong bản báo cáo kinh doanh của Techcombank năm 2015 cho thấy, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát của ngân hàng này đã được trích thù lao cố định là 28,23 tỷ đồng. Điều này đã tạo ra một sự so sánh với các cổ đông khác.
Một ý kiến cổ đông cho rằng: “Lãnh đạo thì được chia thù lao tiền tỷ, mà cổ đông – người chủ ngân hàng lại không được đồng cổ tức nào là một sự bất công”. “Dường như ngân hàng quên mất cổ đông vì suốt từ năm 2011 đến nay đã không trả cổ tức cho cổ đông, giá cổ phiếu Techcombank thực tế đã giảm dưới mệnh giá. Tiền đầu tư của chúng tôi đã bị mất đi. Trong khi các thành viên của HĐQT vẫn được chia thù lao đều đặn, lên tới vài chục tỷ đồng mà cổ đông không được đồng lời nào. Như vậy có công bằng, có đúng luật không”- một cổ đông bức xúc nói.
Một cổ đông khác nói thẳng: “Tôi tin chắc ngân hoàn toàn có điều kiện chia cổ tức cho cổ đông nhưng không lại chia. Nếu không chia tiền mặt thì chia bằng cổ phiếu để cổ đông có thể bán đi, thu tiền về”. Cổ đông này cũng đề nghị ngân hàng sớm đưa cổ phiếu lên sàn để đảm bảo minh bạch tài chính hơn, giúp cổ phiếu có thanh khoản, giá tốt hơn vì hiện họ không bán được cổ phiếu.
Chia sẻ về những điều này, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT của Techcombank giải thích, HĐQT đã nỗ lực tập trung xử lý nợ xấu và trích dự phòng rất lớn, và sắp tới sẽ có khoản hoàn nhập nên dự kiến lợi nhuận năm 2016 đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Nhưng do phải ưu tiên xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, nhất là cần tăng vốn đảm bảo các chỉ số theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Về giá cổ phiếu, cá nhân ông Hùng Anh cũng không nghĩ giá cổ phiếu lại thấp dưới 10.000 đồng/CP như vậy, song ngân hàng có kế hoạch để làm sao giá cổ phiếu Techcombank về đúng giá trị thực sự, kỳ vọng giá ở mức 40.000-50.000 đồng/CP.
“Khi lên sàn, chúng ta cần có chương trình để làm sao NĐT hiểu giá trị thực của Techcombank và bỏ tiền mua cổ phần với giá hợp lý nhất. HĐQT đã trình ĐHCĐ thông qua việc đưa cổ phiếu niêm yết trong năm nay là chắc chắn”- ông Hùng Anh nói và nhấn mạn: “Nếu không chia cổ tức thì tiền vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, không ai có thể rút tiền ngân hàng, còn chia cổ tức sẽ phải chọn thời điểm”!?
Bất ngờ đổ tiền vào Skyviet?
Tại đại hội này, cổ đông đã chất vấn HĐQT Techcombank về khoản đầu tư vào Hãng hàng không SkyViet, liệu có đem lại hiệu quả và vai trò của ngân hàng trong thương vụ đầu tư ngoài ngành này?
Được biết, Hãng hàng không Skyviet được thành lập từ Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sở hữu 51% vốn (tương ứng 153 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) sở hữu 48% (giá trị 144 tỷ đồng); Công ty CP Phát triển dự án Techcomdeveloper sở hữu 1% (giá trị 3 tỷ đồng). Techcombank và VietnamAirlines có mối quan hệ gắn bó mật thiết, là cổ đông đầu tư lẫn nhau. Hiện Techcombank cũng sở hữu 1,82% vốn của VietnamAirlines.
Tại ĐHCĐ, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, đã có luồng dư luận khác nhau về khoản đầu tư vào Skyviet này. Tuy nhiên, việc hợp tác đầu tư vào Skyviet, theo ông Hùng Anh là do “quan hệ gắn bó lâu dài với Vietnam Airlines, mà quan hệ này cũng mang lại giá trị lợi nhuận rất lớn cho Techcombank và Vietnam Airlines”.
“Công ty Vasco có quy mô vốn rất hạn chế, tài sản đi thuê, đường bay ngắn… nên khi Vietnam Airlines đặt vấn đề cần tái cấu trúc công ty thì Techcombank có giới thiệu nhà đầu tư. Ngân hàng không trực tiếp tham gia mà thông qua các công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư nhận ủy thác vốn đầu tư. Đây cũng là hoạt động bình thường của công ty quản lý quỹ, ngân hàng chỉ có vai trò hỗ trợ tái cấu trúc cho Vietnam Airlines”- ông Hồ Hùng Anh nói.
Cũng theo ông Hùng Anh, “khoản đầu tư vào Skyviet cũng nhỏ thôi, và đến nay, chúng tôi xác định cũng không duy trì khoản đầu tư này lâu mà chỉ để củng cố mối quan hệ với Vietnam Airlines thôi”. Như vậy, phải chăng việc Techcombank đầu tư vào Skyviet chỉ là khoản đầu tư có thời hạn, mang tính chất “đối ngoại” với đối tác lâu năm và cũng có thể sẽ sớm “rút lui”? Được biết, hai nhà đầu tư góp 49% vốn vào Skyviet cũng không phải người xa lạ, mà có quan hệ đặc biệt với Techcombank.
Trong đó, Công ty quản lý quỹ Techcom Capital ra đời năm 2008 là thuộc sở hữu của ngân hàng Techcombank. Còn công ty CP Phát triển dự án Techcomdeveloper có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, trong đó ngân hàng Techcombank sở hữu 11%, tương ứng giá trị 660 triệu đồng. Dù có vốn rất khiêm tốn, nhưng Techcomdeveloper từng tham gia các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp bất động sản với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Thời báo Tài chính VN