Cổ phiếu APS bị loại khỏi rổ VNX Allshare

Cổ phiếu APS gồng mình để quay trở lại sau lùm xùm thao túng thị trường chứng khoán...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng khoán APEC chính thức bị loại khỏi rổ VNX Allshare kể từ 25/9
Chứng khoán APEC chính thức bị loại khỏi rổ VNX Allshare kể từ 25/9

Vi phạm quy định về công bố thông tin, Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương ( APEC - mã chứng khoán: APS) đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) loại bỏ khỏi rổ chỉ số VNX Allshare kể từ ngày 25/9.

VNX Allshare là chỉ số phản ánh tình trạng của một nhóm cổ phiếu được niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX. Nhóm cổ phiếu này cần thỏa mãn một số tiêu chí nhất định về các yếu tố như tính thanh khoản, tự do chuyển nhượng (free float), tư cách.

Đây cũng là chỉ số duy nhất được tổng hợp từ cả hai sàn HOSE và HNX. VNX AllShare giúp nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn toàn cảnh về tổng thể thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó 8/9, APS rơi vào diện cảnh báo do Chứng khoán APEC chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét đã quá 15 ngày so với thời gian quy định. Chứng khoán APEC có công văn giải trình và đưa biện pháp khắc phục nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Tới thời điểm hiện tại, Chứng khoán APEC chính thức rơi vào diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã soát xét quá 30 ngày. Thông tin về thời điểm có thể công bố chưa được đề cập tới, Chứng khoán APEC chỉ thông báo lựa chọn đơn vị kiểm toán và Báo cáo tài chính bán niên tự lập.

Về tình hình kinh doanh, căn cứ vào báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm tự lập của Chứng khoán APEC, doanh thu hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 360 tỷ đồng, tương đương bằng 227% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chi phí hoạt động nửa đầu 2023 ở mức 294 tỷ đồng, giảm 44% so với nửa đầu 2022. Hạng mục chi phí có biến động lớn nhất là lỗ từ các tài sản tài chính cũng là hạng mục chiếm tỷ trọng trên 90% tổng chi phí hoạt động.

Với doanh thu tăng trưởng đáng kể trong khi chi phí lại giảm chỉ còn một nửa, Chứng khoán APEC ghi nhận lãi ròng 46 tỷ đồng nửa đầu năm 2023, trong khi nửa đầu năm ngoái lỗ 304 tỷ đồng. Với đà trên thì Chứng khoán APEC đang đạt 20% so với kế hoạch về lợi nhuận và 45% về kế hoạch doanh thu.

Trong giai đoạn 2019 -2022, Chứng khoán APEC hoạt động tăng trưởng không được ổn định với mức tăng trưởng mạnh về doanh thu từ 2019 - 2021, cụ thể: năm 2019 đạt 25 tỷ đồng, năm 2020 đạt 158 tỷ đồng và năm 2021 đạt 747 tỷ đồng. Tuy nhiên tới năm 2022 chỉ đạt 421 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2021.

Ở một diễn biến khác, sau quá trình dàn lãnh đạo bị khởi tố bắt tạm giam, Chứng khoán APEC công bố thông tin bổ nhiệm Tổng Giám đốc, Người đại diện pháp luật, Người phụ trách quản trị công ty đối với ông Nguyễn Đức Quân kể từ ngày 9/8/2023. Ông Quân trước đó giữ chức vụ Giám đốc kinh doanh tại Chứng khoán APEC.

Đồng thời, Chứng khoán APEC cũng thay đổi người phụ trách Công bố thông tin là bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ của công ty.

Tuy nhiên, thông tin thay đổi về Người đại diện pháp luật, Người công bố thông tin của Chứng khoán APEC vẫn chưa được phía Uỷ ban Chứng khoán thông qua và thay đổi thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

aps 1 - 9.jpg
Thị giá cổ phiếu APS thời gian gần đây

Trên thị trường chứng khoán, khởi động năm tài chính 2023 ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu, APS diễn biến có xu hướng tăng. Ngày 31/5 APS được giao dịch ở mức 15.900 đồng/cổ phiếu nhưng đó có mới chỉ là bắt đầu. Trèo cao ngã đau, nếu 31/5 APS lên đỉnh thì những ngày sau đó là chuỗi ngày trầm cảm với các nhà đầu tư trót đặt kỳ vọng vào APS, APS liên tục giảm.

Đỉnh điểm 23/6 sau khi có lệnh tạm giam ông Nguyễn Đỗ Lăng (tổng giám đốc Chứng khoán APEC) cùng 4 bị can khác vì liên quan đến vụ án hình sự: "thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty Cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)", APS lao dốc không phanh như con thiêu thân lao vào ngọn đèn dầu.

Nếu nửa cuối tháng 6, APS thăng hoa mang đến kỳ vọng cho các nhà đầu tư bao nhiêu thì sang tháng 7, APS khiến họ thất vọng bấy nhiêu. Cổ phiếu này lao dốc, đỉnh điểm 11/7, APS giảm chỉ còn 5.700 đồng/cổ phiếu. Sang tháng 8 với việc thay đổi bộ máy lãnh đạo, APS đã có tín hiệu hồi phục, có lúc giao dịch ở mức 9.700 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên 25/9, APS được giao dịch với khối lượng hơn 1 triệu cổ phiếu trong đó hơn 800 ngàn cổ phiếu khớp lệnh ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá Chứng khoán APEC giảm còn 622 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm