Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 177,71 điểm (-0,43%) xuống 40.712,78 điểm, S&P 500 mất 50,21 điểm (-0,89%) còn 5.570,64 điểm và Nasdaq Composite trượt 299,63 điểm (-1,67%) xuống 17.619,35 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thường được gọi là "Magnificent Seven”, đã gây áp lực nặng nề nhất lên Nasdaq thiên về công nghệ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 0,09 điểm phần trăm lên 3,863%.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, công nghệ ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất là 2,1%. Trong khi đó, bất động sản dẫn đầu nhóm tăng giá.
Ở các diễn biến riêng lẻ, Zoom Video Communications tăng vọt 13,0% sau khi nâng dự báo doanh thu hàng năm.
Snowflake, dù đã nâng dự báo doanh thu sản phẩm cả năm, nhưng cổ phiếu của công ty phân tích dữ liệu đám mây này lại giảm 14,7% do dự báo về biên lợi nhuận không thay đổi.
Advance Auto Parts trượt dốc 17,5% sau động thái cắt giảm dự báo lợi nhuận hàng năm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,79 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,89 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
“Dường như không có nguyên nhân rõ ràng cho đợt bán tháo này. Có thể mọi người đang cố gắng cân đối lại vị thế một chút trước khi Nvidia công bố thu nhập vào tuần tới, hoặc giảm rủi ro trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole vào ngày mai”, Scott Ladner, Giám đốc đầu tư tại Horizon Investments nhận xét.
Các quan chức ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Jackson Hole (Mỹ) cho Hội nghị Chuyên đề Kinh tế thường niên. Giới đầu tư sẽ tập trung theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Sáu để tìm thêm manh mối về thời điểm và mức độ nới lỏng chính sách của Fed.
Ông Powell được dự đoán sẽ trấn an thị trường rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.” Tuy nhiên, tôi cho là ông ấy sẽ khéo léo tránh trả lời trực tiếp về việc liệu sẽ là cắt giảm 0,25 hay 0,50 điểm phần trăm”, ông Ladner cho biết thêm.
Dữ liệu về số lượng người thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên sau khi báo cáo việc làm được điều chỉnh giảm mạnh vào thứ Tư, dường như xác nhận rằng thị trường lao động Mỹ không mạnh mẽ như dự kiến và đang dần suy yếu. Điều này làm dịu bớt lo ngại về suy thoái kinh tế đồng thời củng cố thêm lý do cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Chỉ số Biến động CBOE, thường được xem là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, có thời điểm vượt qua 18 điểm, mức cao nhất trong tuần, trước khi ổn định lại ở 17,56.
GIÁ DẦU PHỤC HỒI
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1% nhờ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ trong vài tuần tới đã thúc đẩy sự phục hồi sau 4 ngày giảm giá.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,17 USD, tương đương 1,54%, lên mức 77,22 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,08 USD, tương đương 1,5%, lên mức 73,01 USD/thùng.
Đồng USD có dấu hiệu yếu đi trong thời gian gần đây do lo ngại về suy thoái kinh tế, hỗ trợ giá dầu khi người mua sử dụng các đồng tiền khác trả ít hơn cho dầu thô định giá bằng đồng bạc xanh.
Cũng tạo động lực cho giá là báo cáo của chính phủ Mỹ hôm thứ Tư cho thấy lượng tồn kho dầu thô, xăng và dầu chưng cất giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang đi lên.