Cổ phiếu công nghệ nhìn từ Mỹ về Việt Nam: Lý do chưa đủ khoẻ để gồng gánh cả thị trường

Dù được đánh giá là nhóm ngành đầy tiềm nhưng do ít gương mặt trên sàn và vốn hóa thấp nên nhóm cổ phiếu công nghệ có tăng tốt cỡ nào cũng không thể thay thế được nhóm cổ phiếu tài chính và kỳ vọng tạo thành một “cơn sóng” lớn như thị trường Mỹ trong ngắn hạn là điều không thể xảy ra...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhìn từ chứng khoán Mỹ, vì sao cổ phiếu ngành công nghệ chưa thể “gánh” thị trường Việt trên vai?
Nhìn từ chứng khoán Mỹ, vì sao cổ phiếu ngành công nghệ chưa thể “gánh” thị trường Việt trên vai?

Nhìn lại giai đoạn 2020 – 2021, ngành công nghệ tại Mỹ “ăn nên làm ra”. Do đó, cổ phiếu của nhóm này trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên rất mạnh, kéo theo tỷ trọng vốn hóa chiếm rất cao. Minh chứng cụ thể nhất là 7 “ông lớn” công nghệ bao gồm: Microsoft, Apple, Amazon, Nvidia, Alphabet, Meta và Tesla đã chiếm khoảng 40% giá trị vốn hoá toàn thị trường Mỹ.

Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, có một điều khiến mọi người thấy lạ là trong lần tăng lần này, dòng công nghệ khá yếu thế. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi dòng công nghệ không còn sức ảnh hưởng quá lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ nữa và khả năng nhóm cổ phiếu khác sẽ trỗi dậy, thay thế sự thống trị của nhóm này trong 2 – 3 năm gần đây.

Ví dụ, kết phiên giao dịch ngày 11/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 157,06 điểm (+0,43%) lên 36.404,93 điểm, S&P 500 thêm 18,07 điểm (+0,39%) thành 4.622,44 điểm và Nasdaq Composite leo 28,51 điểm (+0,20%) ở mức 14.432,49 điểm. Nhưng “bộ 7 cổ phiếu công nghệ” lại điều chỉnh giảm đồng loạt.

Thêm vào đó, trong năm vừa qua, nhóm cổ phiếu công nghiệp có mức tăng trưởng tốt hơn nhóm cổ phiếu công nghệ rất nhiều. Đồng thời, nhóm cổ phiếu năng lượng, nhóm vật liệu xây dựng… đang có mức tăng trưởng mạnh; những cổ phiếu nhóm tài chính như ngân hàng cũng đang rục rịch tăng trở lại. Chỉ số Dow Jone - đại diện cho nhóm cổ phiếu công nghiệp đạt mốc kỷ lục mới, trong khi đó chỉ số Nasdaq và S&P 500 vẫn đang tiệm cận ở mức cũ, chứ chưa đạt mức kỷ lục mới.

Những diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, bởi với quy mô là một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, chỉ một “luồng gió” nhẹ có thể biến thành “cơn lốc” ảnh hưởng lên nền tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

ong-minh-367.jpeg
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Mới đây, Thương Gia đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Theo đánh giá của ông Minh, soi chiếu sang thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán lại là những nhóm có giá trị vốn hóa hàng đầu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường Việt Nam chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Nổi bật trong nhóm công nghệ là cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT, rồi đến cổ phiếu CMG của Công ty cổ phần Tập đoàn CMC.

Sau 2 ông lớn trên là nhóm doanh nghiệp công nghệ có quy mô vốn hóa nhỏ như Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CTIN, mã chứng khoán ICT), Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ điện tử Viễn thông (Elcom, mã chứng khoán ELC), Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (mã ITD), Công ty Cổ phần công nghệ Mạng và Truyền thông (mã chứng khoán CMT)…

Vì vậy, mặc dù được đánh giá là nhóm ngành đầy tiềm nhưng có lẽ do ít gương mặt trên sàn và vốn hóa thấp nên nhóm cổ phiếu công nghệ có tăng tốt cỡ nào cũng không bao giờ có thể thay thế được nhóm cổ phiếu tài chính và kỳ vọng nhóm này tạo thành một “cơn sóng” như thị trường Mỹ trong ngắn hạn là điều không thể xảy ra.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và ông Minh cho rằng câu chuyện tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai.

Ông Minh lấy dẫn chứng, việc phát triển AI tại thị trường Việt Nam đã manh nha nhiều năm, tới bây giờ nó vẫn đang được chú ý và thực sự bùng nổ. Cùng với đó, những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về chip bán dẫn đang bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam; xu hướng khát khao về chuyển đổi số chưa dừng lại, hay nói cách khác cơ hội cho nhóm này vẫn chưa kết thúc.

“Song, nhược điểm của thị trường Việt Nam là rất ít những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong lĩnh vực công nghệ, từ lĩnh vực viễn thông đến lĩnh vực bán dẫn hay chỉ là những doanh nghiệp phụ tùng hỗ trợ cho lĩnh vực bán dẫn chúng ta cũng chưa có. Vì vậy nhà đầu tư có rất ít sự lựa chọn để đầu tư vào”, vị chuyên gia này bình luận.

Ông Minh giả định: “Nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông hoặc chip bán dẫn của Việt Nam được hình thành và sau đó được niêm yết lên sàn chứng khoán. Hoặc kỳ vọng gần nhất là niêm yết cổ phiếu viễn thông thì lúc đó mới có thể giải quyết được nhu cầu của thị trường. Còn bây giờ nhu cầu thì có mà hàng hoá không có thì nhà đầu tư cũng không biết đâu mà mua”.

Như ông Minh đã phân tích, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào hai nhóm lớn là tài chính - ngân hàng và bất động sản. Ngân hàng thì khá an toàn. Nhưng bất động sản thì khá mong manh và có tính chu kỳ rất lớn, không bền vững do ảnh hưởng theo biến số về lãi suất.

Ông Nguyễn Thế Minh ví von “thị trường chứng khoán nếu phụ thuộc vào cổ phiếu có chu kỳ cao thì giống như cây thông, lúc lên rất mạnh mà xuống thì vô cùng thảm khốc”. Cho nên để giải quyết tính bền vững cho thị trường chứng khoán thì rõ ràng phải giảm sức ảnh hưởng của dòng bất động sản. Thêm vào đó, cần phải đẩy mạnh những nhóm cổ phiếu không ảnh hưởng bởi tính chu kỳ và có tính đối trọng với dòng bất động sản, như vậy thị trường chứng khoán Việt Nam mới không bị ảnh hưởng.

“Quay trở lại với thị trường chứng khoán Mỹ, do phụ thuộc quá nhiều vào nhóm cổ phiếu công nghệ - nhóm có chu kỳ tăng trưởng rất bền vững, khiến cho đáy sau cao hơn đáy trước. Dù có những chu kỳ giảm xuống nhưng xét về dài hạn, có thể nhận thấy rõ thị trường Mỹ vẫn đi lên chứ không có xuống. Còn thị trường chứng khoán Việt Nam sau 23 năm phát triển, VN-Index vẫn quanh quẩn ở ngưỡng 1.100 điểm vì phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản và bị thiếu nhóm công nghệ. Trong đó nhóm cổ phiếu lĩnh vực viễn thông là nhóm mà bao năm nay chúng ta cố cổ phần hoá nhưng vẫn chưa niêm yết được”.

Để giải quyết “bài toán” trên, ông Minh đưa ra khuyến nghị, trong tương lai thị trường cần phải niêm yết được nhóm cổ phiếu viễn thông lên, từ đó giảm mức ảnh hưởng của nhóm bất động sản xuống. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có tính bền vững hơn.

Có thể bạn quan tâm