Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Dow Jones nhích 124,75 điểm (+0,31%) lên 40.861,71 điểm, S&P 500 thêm 58,61 điểm (+1,07%) đạt 5.554,13 điểm và Nasdaq Composite tăng 369,65 điểm (+2,17%) thành 17.395,53 điểm.
6 trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500 tăng điểm, với công nghệ (+3,3%) và tiêu dùng không thiết yếu (+1,3%) là hai lĩnh vực có mức tăng lớn nhất. Trong số các lĩnh vực tụt hậu, năng lượng giảm 0,93%, theo sau là tiêu dùng thiết yếu giảm 0,88%.
Chỉ số công nghệ nhận được hỗ trợ lớn từ cổ phiếu Nvidia, có mức tăng hơn 8% sau khi báo cáo từ Semafor cho thấy chính phủ Mỹ đang xem xét việc cấp phép để Nvidia xuất khẩu chip tiên tiến sang Arab Saudi.
Apple, Microsoft, Amazon lần lượt ghi nhận đà tăng 1,12%, 2,2% và 2,73%.
Cổ phiếu có hoạt động tốt nhất trong ngành tài chính là American Express, giám đốc tài chính của công ty cho biết tại một hội nghị rằng tín dụng đang mạnh và chi tiêu của người tiêu dùng ổn định.
Một số ngân hàng lớn của Mỹ hồi phục sau các áp lực giảm vào đầu phiên. Goldman Sachs đóng cửa tăng 0,9% trong khi JPMorgan tăng 0,8%. Ngành ngân hàng đã chịu ảnh hưởng tiêu cực vào phiên trước đó bởi các cảnh báo về việc giảm doanh thu giao dịch, nguy cơ phục hồi chậm chạp trong mảng ngân hàng đầu tư và dự đoán về ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất đối với thu nhập.
Theo các nhà phân tích từ Reuters, diễn biến chính trị cũng đã tác động đến tâm lý thị trường sau khi ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đưa đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump vào thế phòng thủ trong cuộc tranh luận tổng thống đầy kịch tính vào tối 10/9.
Một số cổ phiếu dự kiến hoạt động tốt dưới thời ông Trump, ví dụ như tiền điện tử, blockchain, đơn vị vận hành nhà tù…, đều suy giảm. Cổ phiếu Trump Media & Technology Group trượt dốc 10,5%.
Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng mặt trời, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chính quyền bà Harris, đã tăng mạnh. First Solar “nhảy vọt” 15,2%, Sunrun tăng 11,3% và SolarEdge Technologies thêm 8,5%.
Dù cuộc tranh luận không mang lại nhiều thông tin cụ thể cho Phố Wall về các vấn đề chính sách chính, nhưng một số nhà quan sát thị trường cho rằng đề xuất của bà Kamala Harris về việc tăng thuế doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty, trong khi lập trường cứng rắn hơn của ông Trump về thuế quan có thể đẩy lạm phát lên cao.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,19 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,8 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% vào tháng 8, tương tự như tháng 7. CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 0,3% hàng tháng, vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế về mức tăng 0,2%.
Dự đoán về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm đã tăng từ 66% lên 85%, trong khi suy đoán cắt giảm 0,5 điểm phần trăm đã giảm từ 34% xuống còn 15%, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Có thể thấy, dường như báo cáo CPI tháng 8 đã làm “tan biến” hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm vào tuần tới.
GIÁ DẦU ĐẢO CHIỀU
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng hơn 2% vào thứ Tư do lo ngại về nguy cơ ngừng sản xuất tại các khu vực dầu ngoài khơi của Mỹ khi bão Francine đang di chuyển về hướng Louisiana.
Hợp đồng tương lai dầu Brent đóng cửa ở mức 70,61 USD/thùng, tăng 1,42 USD, tương đương 2,05%. Dầu thô WTI của Mỹ chốt phiên tăng 1,56 USD/thùng, tương đương 2,37%, lên 67,31 USD/thùng.
Lo ngại về việc bão Francine làm gián đoạn sản lượng dầu ở Mỹ, một trong những nước sản xuất lớn nhất thế giới, đã hỗ trợ đẩy giá dầu đi lên.
Cục An toàn và Thực thi Môi trường của Mỹ lưu ý, 39% sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico đã bị ngừng vào thứ Tư khi các công ty di tản nhân viên khỏi đường đi của bão Francine. 49% sản lượng khí đốt tự nhiên từ Vịnh cũng bị ngừng do bão. Vùng Vịnh Mexico do Mỹ quản lý chiếm 15% tổng sản lượng dầu thô của Mỹ và 2% sản lượng khí đốt tự nhiên khô, theo EIA.