Tính từ ngày 26/06/2017, thị giá của cổ phiếu BMP đã giảm từ mức 102.000 đồng/cp xuống quanh mức 86.700 đồng/cp (phiên ngày 17/07/2017), tương đương mức giảm 15%. Mở đầu phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu BMP tiếp tục giảm xuống mức 81.500 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình ở mức 103 ngàn cp mỗi phiên, trong đó hai phiên gần nhất ngày 14/07 và 17/07 khối lượng giao dịch được đẩy lên quanh mức 250 ngàn cp.
Thị giá cổ phiếu BMP nửa tháng trở lại đây
Được biết vừa qua, BMP đã thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% và phát hành gần 36,4 triệu cp thưởng với tỷ lệ 10:8 để tăng vốn điều lệ. Ngày 22/6, BMP đã công bố việc thay đổi số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ 45,5 triệu lên 81,9 triệu đơn vị nhưng chưa có ngày niêm yết bổ sung và chính thức giao dịch lượng cổ phiếu phát hành thêm.
Triển vọng kém khả quan vì giá nguyên liệu tăng và sức ép cạnh tranh
Theo báo cáo phân tích của CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) về BMP, HSC đưa ra nhận định kém khả quan về BMP.
Cụ thể, HSC dự báo trong 6 tháng đầu năm 2016, BMP sẽ đạt tổng doanh thu 1.841 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên lãi trước thuế chỉ đạt 280 tỷ đồng, giảm 34% và tương đương 40% kế hoạch cả năm 2017.
Nguyên nhân theo HSC là do giá nguyên liệu dầu thô tăng và khả năng định giá bán kém. Với cạnh tranh từ các đối thủ mới gia nhập ngành và công suất từ các doanh nghiệp hiện tại tăng, thị trường đang dần trở nên bão hòa. Trong khi một số động thái như nới room, là yếu tố thúc đẩy câu chuyện M&A dường như kéo dài hơn dự kiến.
Cụ thể, giá nguyên liệu đầu vào trong nửa đầu năm 2017 tăng mạnh 17,15% so với cùng kỳ và cũng cao hơn 9,6% so với mức giá bình quân trong năm 2016. Trong khi đó, với cạnh tranh gia tăng, Công ty đã tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng nền cho các nhà phân phối thêm 4% từ 11% lên 15% trong quý II/2017. Trên thực tế, sau khi BMP tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 4%, Nhựa Tiền Phong (NTP) cũng đã tăng tỷ lệ chiết khấu của mình thêm 5%. So sánh với HSG, tỷ lệ chiết khấu bình quân của BMP chỉ là khoảng 15 - 20% trong khi đó tỷ lệ chiết khấu của HSG cho cùng sản phẩm lại cao hơn nhiều, khoảng 34%. Hơn nữa, HSC cũng nhận thấy cạnh tranh mới từ Đại Thành và Phúc Hà vừa giới thiệu sản phẩm ống nhựa vào thị trường gần đây. Do đó, cạnh tranh trở nên căng thẳng hơn và BMP sẽ mất một số thị phần.
HSC ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm mạnh xuống 22 - 25% từ mức kỷ lục là 34,3% trong 6 tháng đầu năm trước. Dĩ nhiên, tỷ suất lợi nhuận cao đỉnh điểm đạt được trong năm trước là không bền vững. Dù vậy, mức giảm là khá lớn, chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh 17,15%. Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, lợi thế định giá của BMP cũng suy giảm.
Với phân tích hiện tại, HSC dự báo tổng doanh thu của BMP cả năm 2017 lần lượt đạt 4.046 tỷ, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ trước nhưng lãi trước thuế dừng ở mức 710.7 tỷ đồng, lãi ròng 568,5 tỷ đồng, cùng giảm 9,4%.
Liên quan đến việc nới room, tiến trình mở room lên 100% tại Công ty đang diễn ra chậm hơn dự kiến do gặp phải một số vướng mắc. Ban đầu, BMP dự kiến nới room lên 100% vào tháng 6/2017, tuy nhiên UBCKNN đã yêu cầu Công ty cung cấp thêm thông tin về lĩnh vực XNK và kinh doanh hóa chất được đề cập đến trong điều lệ. Do vậy hiện tại, Công ty đang chờ Bộ Công thương phân loại các lĩnh vực này. Trong khi đó SCIC vẫn muốn bán cổ phần tại BMP.
Bên cạnh đó, HSC cũng đề cập đến vấn đề truy thu thuế tại BMP với việc Công ty sẽ tiến hành trả phần còn lại là 49,4 tỷ đồng.
Về diễn biến cổ phiếu trên thị trường, HSC cho rằng trong thời gian tới không có nhiều động lực giúp giá cổ phiếu tăng ngoài việc nới room đã bị trì hoãn từ lâu và khả năng M&A trong tương lai nếu SCIC có thể tìm được người mua số cổ phần của mình tại BMP.
Theo Thế Nhất/ NDH
>> Nhựa Bình Minh thưởng hậu hĩnh cho cổ đông 80% cổ phiếu