Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế, VPB và SGB ngược dòng tăng giá

Trong tuần giao dịch vừa qua (25/9 - 29/9), thị trường chứng khoán ghi nhận 25 mã cổ phiếu ngân hàng tăng, 2 mã giảm và không có mã nào đứng giá…

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế, VPB và SGB ngược dòng tăng giá
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế, VPB và SGB ngược dòng tăng giá

Với áp lực giảm điểm của thị trường chung, cổ phiếu ngân hàng tuần qua (25/9 - 29/9) tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực khi có đến 25/27 mã kết tuần trong sắc đỏ.

Trong đó, cổ phiếu EIB của ngân hàng Eximbank vẫn là mã giảm mạnh nhất toàn ngành với mức 8,7% khi ngay trong phiên đầu tiên của tuần đã giảm sàn. Đóng cửa tuần giao dịch, thị giá cổ phiếu EIB dừng ở mức 17.950 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong nửa tháng, cổ phiếu EIB đã mất 17% giá trị, quay trở lại vùng giá của hồi tháng 6, 7 vừa qua.

Theo sau là mã STB với mức giảm 6,8% sau khi trải qua 4/5 phiên giảm giá, nay điều chỉnh còn 30.650 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 7% so với tuần trước đó. Kế tiếp là mức giảm 5,9% và 5,6% của hai mã SHB và OCB, lần lượt kết tuần ở mức 11.100 đồng/cổ phiếu và 13.400 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sở hữu mức vốn hóa lớn trong tuần giao dịch qua cũng không tránh khỏi diễn biến tiêu cực của thị trường, hầu hết đều điều chỉnh giảm ít nhất 2%. Điển hình như CTG (-5,1%), BID (-3,7%), VCB (-2%); ACB (-2%); TCB (-1%)…

Ngoài ra, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng kết tuần trong sắc đỏ như: BVB (-0,4%); BAB (-0,7%); PGB (-0,9%); MBB (-1,1%); HDB (-1,1%); SSB (-2%); ABB (-2,3%); TPB (-3,8%); NAB (-3,8%); LPB (-3,8%); VAB (-4,3%); MSB (-4,5%); VIB (-4,7%); VBB (-5%); NVB (-5,1%); KLB (-5,4%).

Ở chiều ngược lại, hai mã duy nhất tăng giá trong tuần qua là VPB và SGB. Trong đó, VPB đứng đầu với mức tăng 2,1% lên mức 21.700 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu VPB cũng chịu áp lực bán mạnh trong phiên đầu tuần nhưng sau đó đã dần hồi phục trong 4 phiên còn lại. Tương tự, cổ phiếu SGB cũng hồi phục sau 4 phiên giảm giá, kết tuần ở mức 15.800 đồng/cổ phiếu.

Ảnh chụp Màn hình 2023-10-01 lúc 14.30.52.png
Thay đổi giá trong giao dịch vừa qua (25/9 - 29/9)

Thanh khoản của toàn ngành ngân hàng giảm gần 15% so với tuần trước đó khi có tổng cộng 875 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch là 17.311 tỷ đồng.

STB tiếp tục là quán quân đứng đầu thanh khoản với mức gần 3.700 tỷ đồng, bỏ xa mức gần 2.000 tỷ của SHB đứng liền kề. Ngoài ra, chỉ còn 2 mã là VPB (1.483 tỷ đồng) và HDB (1.430 tỷ đồng) có giá trị giao dịch tuần qua đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Đà giảm của cổ phiếu STB một phần đến từ áp lực của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này đã bán ròng hơn 184 tỷ đồng trong 5 phiên giao dịch, mức cao nhất toàn thị trường tuần qua.

Thêm vào đó, khối ngoại còn bán ròng 144 tỷ đồng CTG và ở chiều ngược lại, mua ròng 113 tỷ đồng VCB. Có động thái trái ngược, nhóm tự doanh các công ty chứng khoán tuần qua có xu hướng gom cổ phiếu ngân hàng, mua ròng 112 tỷ đồng MBB, 81 tỷ đồng STB, 43 tỷ đồng VPB và 35 tỷ CTG.

Về các sự kiện nổi bật trong tuần, trong 7 ngày liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước đã hút 93.795 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, động thái bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là hoạt động thông thường của các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc đảo chiều chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, ngân hàng OCB đã phát hành thành công 685 triệu cổ phiếu cho gần 18.488 cổ đông theo tỷ lệ 50%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền và cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới. Sau đợt phát hành lần này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Trong đó, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn ngân hàng.

Hội đồng quản trị Sacombank vừa quyết định tái bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Trị hiện đang là Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khu vực TP.HCM và ông Đào Nguyên Vũ hiện là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối tín dụng, tiếp tục giữ chức vụ này, kể từ ngày 1/10/2023.

Đáng chú ý, ông Ngô Chí Trung Johnny - con trai ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VP Bank đã đăng ký mua 70 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,04%. Ước tính con trai chủ tịch VP Bank phải bỏ ra số tiền khoảng gần 1.500 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC - công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu ngân hàng MB với mục đích là đầu tư tài chính. Phương thức thực hiện giao dịch là khớp lệnh và thỏa thuận, trong thời gian từ ngày 26/9 đến ngày 24/10.

Hiện công ty sở hữu 1,38 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với tỷ lệ 0,0265%. Sau giao dịch trên, dự kiến công ty sẽ nắm 4,38 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,084%. Cổ phiếu MBB hiện có giá 18.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, để mua thêm 3 triệu cổ phiếu như đăng ký, công ty Đầu tư SCIC sẽ phải chi ra hơn 55 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến cuối quý 2/2023, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu hơn 427 triệu cổ phiếu MBB, tương đương tỷ lệ 9,43%.

Một nội dung đáng chú ý khác, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc của ngân hàng SeABank đã bán ra hơn 2,74 triệu cổ phiếu, giảm số lượng cổ phiếu sở hữu từ 7,46 triệu cổ phiếu xuống 4,72 triệu.

Có thể bạn quan tâm