MBS cho biết, tuần qua, nhóm này có mức tăng bình quân 2,27% với với mức tăng 3,35% ở nhóm chứng khoán và 3,24% ở nhóm cao su tự nhiên. Do đó, công ty chứng khoán này đánh giá ngân hàng vẫn là nhóm đủ khả năng giúp thị trường bùng nổ.
Cơ sở để đưa ra nhận định này, theo MBS, xét về thanh khoản, nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức độ tập trung vốn lớn, chiếm 1/3 thanh khoản toàn thị trường.
Về chiến lược đầu tư, hiện giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế nên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi và cũng rất nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế như dịch vụ tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…) hoặc nhóm cổ phiếu vật liệu cơ bản (thép, cao su,..) hay nhóm cổ phiếu dầu khí,…sẽ là địa chỉ của dòng tiền.
Cuối cùng, xét về khả năng dẫn dắt thị trường cũng như có triển vọng, tiềm năng nhất thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tỏ ra vượt trội nhờ tính thanh khoản cao và nhiều thông tin hỗ trợ.
Cùng với thông tin hỗ trợ từ Moody’s, tuần vừa qua HSBC cũng cho rằng chứng khoán Việt Nam "đáng đầu tư". Theo phân tích của HSBC, những yếu tố khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn bao gồm FDI tăng mạnh, Chính phủ quan tâm đến đầu tư hạ tầng, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng ngày một tốt hơn. Đồng thời, yếu tố lợi nhuận hấp dẫn, định giá tốt, bảng cân đối kế toán tốt và các biện pháp cải tổ thị trường làm tăng khả năng thị trường sẽ có khoảng thời gian tăng điểm kéo dài.
Trong giai đoạn cuối tháng 3, những thông tin đáng chú ý với thị trường sẽ đến từ việc công bố CPI, áp lực bán ròng của khối ngoại hay việc một số doanh nghiệp hé lộ kết quả kinh doanh quý I/2021.
Về xu hướng thị trường, MBS cho rằng triển vọng vượt đỉnh 1.200 điểm của thị trường trong ngắn hạn là khá tích cực. Chỉ số Vn-Index vẫn tạo một khoảng cách an toàn so với ngưỡng kỹ thuật MA50 so với các chỉ số chính trên thế giới và trong khu vực.
Hiện có tới gần 60% số cổ phiếu trong HSX đã vượt ngưỡng 1.200 điểm và tập trung chủ yếu ở nhóm midcap, trong khi lực cản vẫn đến từ nhóm VN30 khi chỉ có 29% số mã vượt đỉnh (chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng như MBB, TCB, CTG, BID).
Mặc dù có triển vọng vượt đỉnh trong ngắn hạn, tuy vậy kịch bản tiếp tục đi ngang có thể sẽ còn tiếp diễn trong tuần sau khi cung cầu thị trường trở lại trạng thái cân bằng sau tuần cơ cấu của các quỹ ETF.
Trong kịch bản tích cực, MBS đánh giá chỉ số Vn-Index có thể tiếp tục đi lên chậm trong nghi ngờ với động lực chính là các nhóm cổ phiếu trong VN30 với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I tích cực.
Vn-Index có thể sẽ vượt 1.200 điểm "nhẹ nhàng" mà không cần đặt nặng vấn đề vượt trội về thanh khoản. Nhưng cũng có thể sẽ chưa đi xa được khi vùng 1.215 và 1.230 là ngưỡng cản gần trong ngắn hạn.
Trong kịch bản thận trọng, MBS cho rằng chỉ số Vn-Index có thể chưa vượt được vùng 1.200 điểm hoặc thậm chí vượt qua 1.205-1.208 nhưng sau đó giảm trở lại và bước vào nhịp chỉnh kỹ thuật trong khung sideway hẹp 1.165 – 1.195.
Áp lực bán ròng từ khối ngoại, áp lực chốt lời của nhóm Midcap và Penny sẽ khiến dòng tiền thận trọng hơn và mất thời gian điều chỉnh tích lũy trước khi nhóm VN30 lấy lại động lực đẩy chỉ số vượt cản một cách mạnh mẽ chứ khôngphân hóa như thời điểm hiện tại.