Cổ phiếu Novaland "nằm sàn, dư mua" trước thềm cuộc họp với Thủ tướng

Ngày mai (14/2), nhiều ông lớn bất động sản trong đó có Tập đoàn Novaland sẽ tham dự hội nghị trực tuyến do Thủ tướng chủ trì để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững...
Cổ phiếu Novaland "nằm sàn, dư mua" trước thềm cuộc họp với Thủ tướng

Các ông lớn tham dự hội nghị này gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương.

Ngay trong tuần trước, Tập đoàn Novaland cũng là một trong những doanh nghiệp đầu ngành bất động sản tham dự cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước để trao đổi, thảo luận và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. 

Tại cuộc họp này, bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc Tập đoàn Novaland kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Theo đại diện Tập đoàn Novaland, thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định dẫn đến những khó khăn nhất thời. Điều này ảnh hưởng lớn đến trái phiếu doanh nghiệp trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Và tình hình chung của các doanh nghiệp bất động sản là đang gặp khó khăn về tài chính.

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, tập đoàn này đang phải làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn đối với các khoản vay trong nước. Ngoài ra, ách tắc về mặt pháp lý của thị trường bất động sản khiến giá của nhiều dự án bất động sản tăng cao. 

Ngoài ra, tập đoàn này còn gặp vấn đề lớn khi phải dồn vốn để giải quyết những vấn đề liên quan hạ tầng giao thông, đơn củ như hạ tầng tại TP.HCM. Hiện, Tập đoàn Novaland là một trong những doanh nghiệp bất động sản đi đầu trong việc làm các đô thị vệ tinh. Điều này khiến cán cân tài chính của Tập đoàn Novaland chịu nhiều áp lực và ảnh hưởng lớn đến khả năng thanh toán. 

Mục tiêu của cuộc họp diễn ra ngày mai chính là khơi thông điểm nghẽn, tìm kiếm giải pháp cho các doanh nghiệp bất động sản, ổn định thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp cũng như dự án bất động sản. 

Là một trong những doanh nghiệp gặp tác động tiêu cực trực tiếp, Tập đoàn Novaland có thể sẽ tiếp tục có nhiều kiến nghị cụ thể hơn đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong các vấn đề như trái phiếu (trong đó có vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ), vốn tín dụng, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản, cơ cấu lại thời gian giãn nợ...

Tập đoàn Novaland là một trong "ông lớn" bất động sản của Việt Nam liên tục được tham gia vào các cuộc họp kín và công khai với các bộ, ngành và cơ quan chức năng. Là doanh nghiệp bất động sản chịu tác động lớn nhất trong ngành nên khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, giá cổ phiếu của Novaland đã giảm sâu.

Hết phiên giao dịch sáng nay (13/2), giá cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland luôn ở mức sàn và trắng bên mua trong khi lượng bán ra cổ phiếu này đạt lên đến 6,9 triệu cổ phiếu. Mặc dù liên tục có giao dịch khớp lệnh nhưng khối lượng cổ phiếu NVL khớp lệnh khá thấp và giá cổ phiếu chỉ giao động ở mức 12.800 đồng/cổ phiếu. 

Biến động giao dịch cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland
Biến động giao dịch cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland từ tháng 12/2022 đến nay

Năm 2022, kết quả kinh doanh của Novaland không tốt. Kết thúc quý 4/2022, Tập đoàn Novaland báo lợi nhuận trước thuế 736 tỷ đồng, giảm 48% và lợi nhuận sau thuế 239 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Novaland đạt 11.135 tỷ đồng, giảm 25%; lợi nhuận gộp đạt 4.348 tỷ đồng, giảm 29%. Biên lợi nhuận gộp đạt 39%, giảm 2 điểm phần trăm so với năm trước.

Năm 2022, Tập đoàn Novaland đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 35.973 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.500 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 31% mục tiêu doanh thu và 35% mục tiêu lợi nhuận.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm