Ngày 10/2/2022, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) đã chính thức được chào sàn HoSE với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 39.480 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa hơn 43.400 tỷ đồng.
Nỗi thất vọng tại “nhà mới”
Như vậy, sau gần 4 năm giao dịch trên sàn UpCOM, cổ phiếu PGV đã chính thức chuyển sang niêm yết tại HoSE với những chuẩn mực cao hơn trong hoạt động niêm yết, công bố thông tin và quản trị công ty đại chúng quy mô lớn.
“Việc này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội mới, đưa cổ phiếu PGV đến gần hơn với các Nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cơ cấu theo định hướng chiến lược phát triển của Tổng Công ty", đại diện PGV chia sẻ.
Tưởng chừng sang HoSE sẽ mở ra chân trời mới với PGV nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như mơ. PGV đóng cửa phiên chào sàn HoSE tăng hơn 6% lên mức 42.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên mức tăng đã bị thu hẹp đáng kể so với mức cao nhất phiên, nhà đầu tư “đua lệnh” có thể đã tạm lỗ hơn 5% chỉ sau một phiên.
Cổ phiếu này sau đó tiếp tục gây thất vọng khi liên tiếp giảm điểm và kết thúc phiên 23/2 tại mức 38.000 đồng/cổ phiếu. Với mức thị giá này, ngay cả những nhà đầu tư mua được giá thấp nhất phiên ngày chào sàn HoSE cũng đã lỗ. Khối lượng giao dịch cũng chưa có sự cải thiện đáng kể cho thấy khả năng hút tiền còn hạn chế.
Thực tế, dù được đánh giá là “bom tấn” của ngành phát điện nhưng cổ phiếu PGV không mấy gây ấn tượng với các nhà đầu tư. Ngay từ khi IPO doanh nghiệp đã khá chật vật khi chỉ bán được gần 3% lượng cổ phần chào bán, niêm yết trên sàn UPCoM thì “chìm nghỉm” không xứng tầm “ông lớn”.
Cụ thể, chính thức niêm yết trên UPCoM từ tháng 3/2018 với giá khởi điểm là 24.800 đồng/cp nhưng cũng nhanh chóng đi xuống vùng giá dưới 20.000 đồng/cp và giao dịch quanh vùng giá 11.000-13.000 đồng/cp trong giai đoạn 2019-2020.
Trong hơn nửa đầu năm 2021, giao dịch cổ phiếu PGV có vẻ tươi sáng hơn nhưng cũng chỉ loanh quanh ở vùng giá dưới 20.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá chào sàn. Chỉ đến trước thềm niêm yết trên HoSE cổ phiếu này mới bật tăng mạnh mẽ lên vùng giá 41.000 đồng/cp.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể được xem là một động tác “kỹ thuật” giúp PGV có hình ảnh tốt hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư khi “chuyển nhà” sang HoSE.
Nợ vay áp đảo, lợi nhuận được “cứu” nhờ chênh lệch tỷ giá
Cổ phiếu PGV thiếu hấp dẫn nhà đầu tư phần nào do hoạt động kinh doanh cốt lõi không có nhiều đột phá. Biến động tỷ giá trở thành “cứu cánh” lợi nhuận tuy nhiên hoạt động này mang tính thất thường cao và không phản ánh hết được sức khỏe doanh nghiệp.
Quý IV/2021, doanh thu thuần của PGV giảm 3% xuống mức 9.298 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng giảm nhẹ nên lợi nhuận gộp đạt 1.398 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng giảm đáng kể từ 490 tỷ đồng xuống còn 278 tỷ đồng do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá giúp lãi ròng tăng nhẹ 3% lên mức 584 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2021, sản lượng điện sản xuất của PGV đạt 29,6 tỷ kWh, chiếm 11,53% sản lượng điện toàn hệ thống điện Việt Nam. Doanh thu thuần cả năm tương ứng đạt 37.695 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhờ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá trong năm 2021 lên tới gần 996 tỷ đồng trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh từ 401 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng, PGV lãi ròng gần 3.134 tỷ đồng, tăng 73% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 3.096 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi hoạt động.
Ngoài ra, nợ vay tài chính của PGV dù đã được tiết giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến gần 65% tổng tài sản. Số dư nợ vay thời điểm 31/12/2021 lên đến 44.656 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm đến 89%. Chi phí lãi vay ăn mòn đáng kể lợi nhuận nhuận của doanh nghiệp điện này.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản PGV đã giảm gần 5% so với đầu kỳ xuống mức 69.262 tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản đang nằm ở tài sản cố định (các nhà máy điện) với giá trị sau khấu hao tại ngày 31/12 gần 43.879 tỷ đồng.