Nguyên nhân là do Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam từ chối đưa ra ý kiến trên báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017, vì "kiểm toán không thu thập được bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến".
Trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017, cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến của kiểm toán viên bao gồm việc công ty chưa đánh giá đầy đủ khả năng thu hồi một số khoản công nợ đã quá hạn thanh toán với trị giá hơn 170 tỷ đồng để xem xét trích lập dự phòng.
Ngoài ra, ở khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, kiểm toán viên cũng không thu thập được bằng chứng thích hợp với khoản trị giá gần 454 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2017 là hơn 516 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, vấn đề vốn hóa chi phí lãi vay của Thủy điện Sông Bung 5 cũng được kiểm toán nhắc đến do không thu thập được bằng chứng để tính toán và ước tính số lãi vay đã được vốn hóa trong giai đoạn khi nhà máy đi vào hoạt động đến năm 2015. Trên thực tế, Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5 đi vào hoạt động từ năm 2012, tuy nhiên công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay vào công trình đến năm 2015.
Tổng cộng ba khoản mục trên lên tới hơn 630 tỷ đồng – chiếm 35% tổng tài sản của PECC1.
Không chỉ bị hủy niêm yết bắt buộc, mới đây nhất, PECC1 cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018 tự lập với những con số không mấy khả quan.
PECC1 lỗ hơn 6 tỷ đồng trong khi doanh thu đạt 139 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình từ phía công ty, sở dĩ doanh nghiệp lỗ là do phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
Hiện, cổ đông lớn nhất của PECC1 là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với 14,5 triệu cổ phần, tương tứng 54,34% vốn. Ba người đại diện vốn Nhà nước tại PECC1 là ông Phạm Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đại diện 21,74% vốn, ông Nguyễn Hồng Tuấn và ông Nguyễn Hữu Chỉnh đại diện 16,3% vốn.
Ngoài EVN, cá nhân nguyên Chủ tịch HĐQT PECC1 là ông Lê Minh Hà đang nắm giữ 14,2% vốn tại đây.
Cổ phiếu TV1 của PECC1 đã giảm giá 4 phiên liên tiếp, chốt phiên giao dịch ngày 16/5 ở mức 13.950 đồng/cp.