Công nghệ và ngân hàng là hai ngành chính kéo chứng khoán Mỹ đi lùi

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 28/3 giảm nhẹ khi cổ phiếu ngành công nghệ và ngân hàng tiếp tục là lực cản chính...

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 37,83 điểm, tương đương 0,12%, còn 32.394,25 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 6,26 điểm, tương đương 0,16%, xuống 3.971,27 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,76 điểm, hay 0,45%, còn 11.716,08 điểm.

Trong lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của Apple và Microsoft cùng với các cổ phiếu cùng ngành khác như Micron Technology Inc đều đã mất điểm, gây ra một trong những lực cản lớn nhất đối với S&P 500.

Trong khi đó, Alibaba Group Holding tăng hơn 14,3% khi công ty tiết lộ kế hoạch chia hoạt động kinh doanh thành sáu đơn vị chính bao gồm thương mại điện tử, truyền thông và đám mây…

Ở một diễn biến tương tự, chỉ số ngân hàng khu vực KBW đã giảm 0,2%. Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực bao gồm First Republic, PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorporation, giao dịch thấp hơn trong ngày. 

Cổ phiếu First Citizens BancShares Inc nhích nhẹ vào 27/3 sau khi tăng vọt hơn 50% vào phiên giao dịch đầu tuần nhờ thông báo mua các khoản tiền gửi và khoản vay tại ngân hàng Silicon Valley. 

S&P 500 có 6 mức cao mới trong 52 tuần và không có mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 40 mức cao mới và 153 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,66 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,75 tỷ cổ phiếu cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Khi lĩnh vực ngân hàng tiếp tục là tâm điểm chính của thị trường trong tuần này, các cơ quan quản lý liên bang đã phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt từ các nhà lập pháp vào ngày 28/3, chủ yếu liên quan đến sự sụp đổ của SVB và Signature. Cả ba cơ quan quản lý của Mỹ (Fed, FDIC và Bộ Tài chính) đều đồng ý rằng các quy định tài chính cần phải được thắt chặt sau những bất ổn gần đây.

Trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Michael Barr - phó chủ tịch giám sát của Fed nhận định: “Cần tăng cường các tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản cho các ngân hàng có hơn 100 tỷ USD”. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng nhấn mạnh rằng các giám đốc điều hành của các ngân hàng sẽ phải chịu hậu quả khi để tổ chức của mình đi đến bờ vực của sự sụp đổ.

Nhận xét về phát biểu trên, giám đốc điều hành giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities Michael James cho rằng triển vọng về các quy định chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng có số tiền gửi trên 100 tỷ USD đang làm tăng mức độ lo lắng cho thị trường. Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng cao hơn, cũng ảnh hưởng đến các cổ phiếu tập trung vào công nghệ.

Trong một lưu ý riêng biệt, đội ngũ nghiên cứu thị trường Mỹ tại Morgan có chia sẻ: “Nếu lo ngại về sự lây lan của ngành ngân hàng lắng xuống, thì chúng ta có thể thấy sự hồi sinh của cả lợi suất trái phiếu và hàng hóa toàn cầu". 

Nhóm cũng cho biết thêm: “Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng ngân hàng thường có tác động trên diện rộng và tiêu cực đối với tăng trưởng và việc làm”.

Vào đầu ngày, một cuộc khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng bất ngờ vào tháng 3, nhưng cũng đang trở nên lo lắng hơn về thị trường lao động.

Vào thời điểm gần cuối quý, các nhà đầu tư đang mong đợi các báo cáo kết quả ngân hàng sắp tới. Điều này có thể cung cấp cho họ thêm thông tin chi tiết về tình trạng của ngành sau sự sụp đổ của SVB và Signature. 

Có thể bạn quan tâm