Hiện tại SSJ Consulting không sở hữu cổ phiếu GMD nào. Số cổ phần SSJ Consulting đăng ký mua vào tương ứng 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
SSJ Consulting Việt Nam có 2 cổ đông chính là Sumitomo với tỷ lệ nắm giữ là 51% vốn và Japan Overseas Infrastructure Investment sở hữu 46% cùng với Suzuyo nắm 3% vốn.
Đáng chú ý, SSJ Consulting Việt Nam là doanh nghiệp mới thành lập chưa được 1 tháng, được cấp phép từ 6/6/2019. Công ty có trụ sở tại phòng 3Cowork05, tầng 16, Saigon Tower, số 29 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp HCM. Ông Tsuyoshi Kato – thành viên HĐQT của Gemadept là nhân sự tại công ty mẹ của Công ty TNHH SSJ Consulting Việt Nam.
Nếu mua thành công lượng cổ phần đã đăng ký, SSJ Consulting sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Gemadept sau Vietnam Investments Fund II, L.P (sở hữu 29,55% vốn).
Động thái mua vào cổ phần Gemadept của SSJ Consulting Việt Nam diễn ra trong bối cảnh ngành cảng biển Việt Nam đang được đánh giá là giàu tiềm năng tăng trưởng.
Theo báo cáo của CTCK MBS, ngành cảng biển đóng vai trò là một hạ tầng logistics quan trọng cho xuất khẩu. Trong năm 2018, khối lượng lưu vận của toàn bộ hệ thống cảng Việt Nam đạt 17,8 triệu TEU, tăng 23% so với năm 2017. Toàn ngành tăng trưởng thuận theo sự tăng mạnh xuất khẩu năm 2018.
Hai khu vực chính là cụm cảng phía Nam và cụm cảng phía Bắc chiếm chủ đạo tỷ trọng lưu vận hàng hóa thông qua cũng như phần lớn tăng trưởng lưu vận trong các năm. Đây là hai cụm cảng quan trọng nhất, cả hai đã lọt danh sách 50 cảng container lớn nhất thế giới, và vị trí trong bảng xếp hạng của hai cụm cảng này sẽ tiếp tục tăng lên khi xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng.
Tại phía Nam, cảng Cát Lái là cảng biển quan trọng nhất của quốc gia, đóng góp trên 1/3 lưu vận hàng hóa xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên vai trò của Cát Lái đang được giảm thiểu: do vị trí địa lý và thủy lưu, cảng này không thể đón được những tàu chở hàng tải trọng lớn khi mà nhu cầu sử dụng tàu lớn đang là xu thế trên thế giới. Ngoài ra sự đô thị hóa của TP.HCM đang vươn ra tới quận 2, khiến việc tập trung phát triển công nghiệp và cảng tại khu vực này sẽ cản trở khối kinh tế dịch vụ vốn có giá trị gia tăng cao hơn. Cát Lái đang dần nhường lại vị trí hạ tầng logistics quan trọng nhất cho khu vực Cái Mép.
Khu vực Cái Mép – Thị Vải tại Vũng Tàu đang được Chính phủ quy hoạch tới năm 2030 sẽ trở thành khu vực cảng quan trọng nhất cả nước. Khu vực này với vị trí nước sâu có thể đón những tàu chở hàng lớn nhất thế giới, đang thu hút vốn đầu tư liên doanh của các hãng tàu lớn. Trong vòng 8 năm, sản lượng của khu vực Cái Mép đã đi từ bước đầu phát triển tới đạt 30% tổng lưu vận hàng hóa khu vực phía Nam, tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Trong khi đó tại cụm cảng phía Bắc, cụ thể là khu vực Hải Phòng đang diễn ra sự chuyển dịch công suất mạnh mẽ từ các cảng thượng nguồn sang các cảng hạ nguồn nhằm đáp ứng việc đón các tàu lớn. Ngoài ra khu vực Lạch Huyện với vị trí nước sâu sẽ là khu vực cảng chiến lược ở phía Bắc, và là sự tăng trưởng công suất chủ yếu của khu vực. Khu vực thượng nguồn về dài hạn sẽ được chuyển đổi công năng thành kho bãi hoặc khu đô thị.
Trong khi đó, Gemadept đang có kế hoạch triển khai cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 vào cuối năm 2019, ngoài ra công ty còn tái khởi động xây dựng cảng Gemalink tại khu vực Cái Mép phục vụ cho chiến lược tăng trưởng dài hạn. MBS đánh giá cao Gemadept nhờ khả năng mở rộng, thoái vốn khỏi các HĐKD không hiệu quả.