Cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 là một số những gợi ý với cộng đồng doanh nghiệp.

Hai mảng sáng tối trong nền kinh tế năm 2022

Đây là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023 của báo Xây dựng vào ngày hôm nay (14/12).

Theo ông Lộc, năm 2022 là một năm đặc biệt với 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế. Có thể thấy 6 tháng cuối năm thì màu xám nhiều hơn, nhưng nhìn chung tổng thể những con số vĩ mô đang trong mùa hè, còn doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao mặc dù vẫn đang gặp khó khăn.

doanh nghiệp
TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết, trong 11 tháng đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số cần đáng suy nghĩ.

Bản chất của hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường. Nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế. Nếu nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp thì có thể thấy doanh nghiệp của ta đang gặp rất nhiều khó khăn khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp", Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC nói.

Cụ thể, năm 2020, 39,7% doanh nghiệp có lãi, 41% hòa vốn. Thế nhưng, năm 2022, hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp không tăng vì doanh nghiệp đã suy kiệt sau 2 năm chống chọi Covid-19, giờ lại đương đầu với nhiều khó khăn từ suy thoái, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng,…

Theo ông Lộc, tình hình hiện nay là một tai nạn khách quan từ bên ngoài đối với doanh nghiệp. Khi đối mặt với những tai nạn như vậy, những yếu kém trong nội bộ của doanh nghiệp được bộc lộ ra. Nó tác động trực tiếp đến tình hình của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.

Những yếu tố khách quan này đồng thời cũng tạo nên sự đổi mới, buộc các doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.

Một số vấn đề doanh nghiệp cần chú ý

"Chúng ta chuẩn bị bước vào 2023 với những khó khăn và thách thức mới và bức tranh kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, dự báo như vậy nhưng sẽ có biến đổi khó lường, do đó, chúng ta chỉ có tể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây sẽ là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sẽ được mở rộng hơn nữa", TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

doanh nghiệp
Các doanh nghiệp hãy quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh của mình, nhất là khi ký kết hợp đồng cần tư vấn, luật sư tư vấn cho mình tránh phát sinh những rủi ro

Ngoài ra, ngày nay, có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, sẽ có sức chịu đựng lớn hơn, nhất là qua đại dịch vừa rồi sẽ nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của đối tác, người lao động, bạn hàng… tốt hơn nhiều.

Một vấn đề nữa được ông Lộc nhắc đến đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn. Các doanh nghiệp cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa.

Tiếp đến là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, vì doanh nghiệp không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn. Do đó, an toàn pháp lý trong kinh doanh là rất quan trọng, cần an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa.

Các doanh nghiệp hãy quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh của mình, nhất là khi ký kết hợp đồng cần tư vấn, luật sư tư vấn cho mình tránh phát sinh những rủi ro. Các doanh nghiệp cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Và đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp – nguyên tắc tranh chấp.

Ông Lộc gợi ý, trung tâm trọng tài là mô hình quốc tế sử dụng nhiều khi xảy ra tranh chấp: Nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật, tiết kiệm hơn khi đưa nhau ra toà án giải quyết. Thời gian qua, trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng đã giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm