Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết, qua kiểm tra tại các địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), các giao dịch bất động sản đã cơ bản dừng lại, các môi giới đã rút khỏi địa bàn.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định tình trạng sốt đất ở các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế đã bình ổn trở lại. Bên cạnh đó, thị trường trên cả nước không thể xảy ra bong bóng bất động sản như một số chuyên gia đã dự báo.
Tuy nhiên, tình trạng sốt đất nền vẫn đang diễn ra cục bộ tại một số địa phương khác như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội.. nhất là tại một số khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.
Nguyên nhân chính, một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (như sân bay Long Thành, các tuyến Metro của TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc...) để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ. Trong khi đó các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn; kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
Ông Ninh nhận định, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), căn hộ văn phòng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường này có xu hướng chững lại do nguồn cung tăng cao, còn thiếu các quy định pháp lý.
Tại buổi họp báo, ông Ninh cũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường bất động sản, bao gồm: “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”; “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”; “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021”.