Cuộc phiêu lưu mới của “Bầu Thụy”

Những cú sa chân vào lĩnh vực bóng đá, chứng khoán, vận hạn với xi măng, sản xuất điện dường như đang khiến bầu Thuỵ nuôi máu phục thù. Đâu sẽ là lĩnh vực hái ra tiền với “ông bầu” này?
Cuộc phiêu lưu mới của “Bầu Thụy”

Khách sạn Kim Liên hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng và một thời kỳ làm ăn hưng thịnh, nhưng đó đã là thời vang bóng

Sau thương vụ trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Thaigroup đã sở hữu 52,4% cổ phần tại Công ty Du lịch Kim Liên (Khách sạn Kim Liên - Hà Nội). Sau phiên đấu giá được cho là nóng nhất năm 2015 đó, ông Thuỵ vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty này. Những ngày phiêu lưu của ông cùng món đầu tư mới lại bắt đầu.

Chiêu thức “make up”

Thaigroup, tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành (Xuân Thành Group), được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Hiện Công ty đang đầu tư dài hạn vào sản xuất xi măng, phân bón, thủy điện và còn mở rộng đầu tư sang giáo dục, du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Việc đầu tư vào Khách sạn Kim Liên nằm trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn. Sau khi tiếp quản nghế nóng, Thaigroup sẽ tiếp tục củng cố về mặt nhân sự, cử thêm 2 thành viên tham gia vào HĐQT Khách sạn Kim Liên, thay thế cho các thành viên do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cử trước đây.

Với một nhà đầu tư thứ thiệt, mỗi khi có được chú gà cưng mới, chiêu thức đầu tiên luôn là “make up”, nâng tầm để khai thác tối đa lợi thế của “gà”.

Chiến lược của Thaigroup cũng không là ngoại lệ, với kỳ vọng, qua bàn tay lèo lái vốn đã nổi tiếng, Khách sạn Kim Liên sẽ biến thành một điểm nhấn của Hà Nội, với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế.

Kim Liên là khách sạn có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, vị trí rất đắc địa khi tọa lạc trên khu đất 3,5 ha trên phố Đào Duy Anh (quận Đống Đa). Một nhà đầu tư đang sở hữu nhiều khách sạn cao cấp nổi tiếng ở Sài Gòn đã từng cho rằng, vị trí của khách sạn này còn đẹp hơn của JW Marriott Hotel Hanoi ở khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Khách sạn hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng và một thời kỳ làm ăn hưng thịnh, nhưng đó đã là thời vang bóng.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Khách sạn Kim Liên chỉ đạt 1,03 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với con số 6,16 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh sa sút là bởi doanh thu tài chính giảm, nhưng chi phí quản lý lại tăng vọt.

Kết quả kinh doanh của năm 2015 không phải là đột biến đi xuống, mà nếu xét kết quả kinh doanh của Khách sạn trong thời gian qua có thế thấy, tốc độ giảm dần đều khi kết quả kinh doanh năm 2014 cũng cho lợi nhuận thấp hơn năm 2013. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 13,49 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 14,48 tỷ đồng năm 2013.

Đặc biệt, lô đất nơi khách sạn tọa lạc chỉ là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định cho Công ty Du lịch Kim Liên thuê 3,5 ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993, vậy là, thời hạn thuê đất còn tới năm 2043.

Mặc dù giới thạo tin cho rằng, đối với các đại gia nhiều kinh nhiệm, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không phải là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng giới phân tích kinh tế vẫn coi đây là thách thức trước mắt với ông chủ mới. Trước mắt, đó là khi đất thuê trả tiền hàng năm, nên dù sao, trước khi thay đổi mục đích sử dụng đất, thì chủ đầu tư đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, từ việc lập dự án, xin quy hoạch lại từ thành phố và quan trọng nhất là khoản tiền sử dụng đất. Theo biểu giá của TP. Hà Nội, khung giá đất tại khu vực đó rất cao…

Đặc biệt, giới phân tích cũng nhắc đến chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô của của Hà Nội, mà địa hạt của Khách sạn Kim Liên cũng sẽ chịu một phần giới hạn.

Ma trận của Thaigroup

Xuân Thành Group vốn hoạt động đa ngành, với quy mô bề thế của Xí nghiệp Xây dựng và Cung ứng vật liệu Xuân Thành. Xí nghiệp này được chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã xây dựng Bình Minh ở Ninh Bình vào năm 1992.

Tiếng vang của Xuân Thành lan toả rất nhanh sau cuộc càn quét, thâu tóm hàng loạt dự án khủng trong lĩnh vực xây dựng ở Ninh Bình như Trung tâm Thương mại Chợ Rồng, Khách sạn Hoa Lư, Khu nhà thi đấu đa năng, Sân vận động tỉnh Ninh Bình, Nhà máy Xử lý chất thải, Trụ sở UBND tỉnh hay Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình... Sau đó, Xuân Thành đã vươn dần tầm hoạt động ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Với nền tảng sẵn có trong xây dựng, Xuân Thành và hiện giờ là Thaigroup bắt đầu lấn sang các lĩnh vực bất động sản, thủy điện với nhiều dự án giá trị lớn. Trong đó, có Dự án Thủy điện tích năng Đông Phù Yên (Sơn La) công suất 1.500 MW, Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) hay khu resort Thác Đa tại Ba Vì (Hà Nội).

Ngoài ra, Thaigroup còn lấn sang cả lĩnh vực vận tải và taxi, bóng đá, chứng khoán… Nhẩm tính, số lượng các ngành nghề kinh doanh của tập đoàn lên tới 11 với 30 công ty thành viên.

Có thể nói không ngoa rằng, ma trận kinh doanh của bầu Thụy như một mạng nhện lớn. Nếu không có kỹ năng bóc tách và gỡ rối, thì đến giới đầu tư chuyên nghiệp cũng khó nắm bắt được đâu là ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Thaigroup. Nhất là khi các ngành nghề truyền thống bước vào giai đoạn bão hoà, đặc biệt cách kinh doanh đa ngành, đa địa bàn dường như đang mang lại cho các đại gia những cú ngã đau, nếu yếu về vốn, non về kinh nghiệm và kỹ năng quản trị. Với Thaigroup, có vẻ như những khó khăn đang được thể hiện qua nhiệt độ giảm trong lĩnh vực sân cỏ và sắc đỏ trên sàn chứng khoán.

Vậy nên, động thái theo đuổi ráo riết một lĩnh vực nào đó trong thời gian gần đây có thể sẽ toát lên nơi đang được kỳ vọng sẽ hái ra tiền cho Thaigroup. Nhưng có thể nói, Thaigroup đang theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc, bao gồm cả xi măng, bất động sản, sản xuất điện.

Chẳng hạn, về xi măng. Thaigroup đang sở hữu Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam) có công suất 2 triệu tấn clinker/năm, Thaigroup  cũng vừa tiếp tục rót thêm 11.000 tỷ đồng để đầu tư thêm Nhà máy Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam với tổng công suất 4,5 triệu tấn clinker/năm, quy mô thuộc hàng lớn nhất hiện nay, đáp ứng nhu cầu sử dụng xi măng trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Tập đoàn đang tích cực đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xi măng tại các tỉnh như Hà Nam, Quảng Nam, Bình Phước, Kiên Giang đáp ứng nhu cầu sử dụng, mục tiêu phát triển của đất nước.

Thaigroup đang vươn địa bàn ra nước ngoài. Điển hình, dự án thủy điện 600 MW tại Cộng hòa Cameroon (châu Phi) và tại Nicaragoa, Tập đoàn cũng đang đầu tư 1.200 MW thủy điện và điện gió, cùng 2 nhà máy xi măng tổng công suất 3 triệu tấn/năm

Trong lĩnh vực sản xuất điện, trong các năm 2013, 2014, Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng và đưa các nhà máy thủy điện tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái với tổng công suất 120 MW hòa vào lưới điện quốc gia. Tập đoàn đang đầu tư xây dựng 18 tổ hợp các nhà máy thủy điện ở khu vực các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, tổng công suất 560 MW với tổng mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành được 5 nhà máy với tổng công suất 250 MW.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, Thaigroup đang vươn địa bàn ra nước ngoài. Điển hình, dự án thủy điện 600 MW tại Cộng hòa Cameroon (châu Phi) và tại Nicaragoa, Tập đoàn cũng đang đầu tư 1.200 MW thủy điện và điện gió, cùng 2 nhà máy xi măng tổng công suất 3 triệu tấn/năm.

Nhưng, mọi chuyện dường như chưa thuận trong các bài tính của Thaigroup, khi ngành xi măng đang phải đối mặt với công suất dư thừa, còn ngành xây dựng điện năng vẫn chưa thực là cuộc chơi của các nhà đầu tư tư nhân.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản, hay những khu đất vàng, giới đầu tư cho rằng, nếu rơi vào tay những ông chủ không sành sỏi, thì đất vẫn chỉ là đất chứ khó hoá thành vàng được.

Vẫn phải chờ xem Thaigroup sẽ biến mảnh đất Khách sạn Kim Liên thành vàng như thế nào trong tương lai.

Theo Anh Hoa
baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…