Đã có gần 8.000 lượt ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai

Sau hơn 2 tháng lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tính đến sáng ngày 13/3 Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận có 7979 ý kiến đóng góp…
luật đất đai
Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến sáng 13/3; đã có 7979 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân.

Như vậy, số lượng góp ý đã tăng rất mạnh. Trước đó, vào thời điểm cuối tháng 2/2023 mới có hơn 2.800 lượt góp ý của cả tổ chức và cá nhân.

Hiện tại, nội dung góp ý nhiều nhất tập trung vào chương chế độ sử dụng các loại đất; chương quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; chương thu hồi đất, trưng dụng đất; chương bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chương đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Bên cạnh đó, có 62 ý kiến của tổ chức, công dân qua Văn thư Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên hệ thống hồ sơ công việc của Bộ.

Tại diễn biến liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 120/QĐ - BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023. Sau đó, trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023 và báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023.

Trước đó, ngày 11/2/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Công điện 32, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền.

Đồng thời, các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang website lấy ý kiến nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương; tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, thời gian trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Có thể bạn quan tâm