Đại dịch Covid-19 đẩy người dân Ấn Độ đến bước đường cùng

Không chỉ vật lộn với giá cả sinh hoạt ngày một tăng, người dân Ấn Độ còn vướng phải nợ nần để trả phí chữa bệnh và mai táng cho người thân nhiễm Covid-19.
Đại dịch Covid-19 đẩy người dân Ấn Độ đến bước đường cùng

Ashok Khondare, một người bán rau 39 tuổi ở thành phố Pune, miền tây Ấn Độ đã phải vay tiền khắp nơi để trả viện phí cho em gái qua đời vì Covid-19. Trong khi cố gắng vượt qua bi kịch thương tâm này, anh cũng phải đối mặt với một khoản nợ không hề nhỏ. 

Chiếc xe tang còn hoạt động duy nhất tại khu vực nhà anh Khondare tính phí 5.000 rupee Ấn Độ (68 USD) cho hành trình dài 6 km đến lò hỏa táng gần nhất - gấp 5 lần mức phí thông thường. Nhưng khi gia đình Khondare đến đó, có một hàng dài đằng trước và họ phải chờ một ngày mới đến lượt. Anh Khondare đã đồng ý trả thêm 7.000 rupee để “chen hàng”. 

“Gia đình tôi đã trải qua một cơn ác mộng khủng khiếp trong hai tuần. Tôi không thể ngủ hay ăn uống đầy đủ. Tôi muốn kết thúc chuyện này càng sớm càng tốt và không ngại trả một số tiền phi lý,” anh Khondare chia sẻ trong nước mắt.

Làn sóng Covid-19 tại Ấn Độ không chỉ gây ra tình trạng thiếu oxy, thuốc men và giường bệnh mà còn gây ra tình trạng thiếu gỗ làm giàn hỏa táng, thiếu xe ngựa và lò thiêu, buộc những người như Khondare phải trả số tiền cắt cổ để thực hiện nghi lễ cuối cùng cho người thân của mình. 

Theo các chuyên gia, cho đến nay, Ấn Độ đang báo cáo số ca mắc mới hàng ngày cao nhất trên toàn cầu và hơn 4.000 ca tử vong mỗi ngày - những con số "chắc chắn chưa được báo cáo đầy đủ".

Phần lớn người theo đạo Hindu ở Ấn Độ hỏa táng người mất và số lượng người tử vong khổng lồ đang gây ra tình trạng tồn đọng tại các khu hỏa táng vì thiếu thốn nhân lực và nguyên liệu. 

Rohit Pardeshi, một người buôn củi ở Satara thuộc bang Maharashtra cho biết: “Nhu cầu về củi để sử dụng cho các giàn hỏa táng là rất rất lớn nhưng nguồn cung lại không đủ.”

Giá bán lẻ củi khô đã tăng ít nhất 30% hay hơn gấp đôi ở một số khu vực tại Ấn Độ. 

Ở bang Uttar Pradesh, anh Mukul Chaudhary, 24 tuổi, cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự sau khi mẹ anh qua đời. Người tài xế xe cứu thương đưa mẹ anh tới viện đòi 5.000 rupee và còn tính thêm tiền đưa thi thể của bà vào lò hỏa táng. “Chúng tôi đã phải cầu xin anh ấy đừng tăng thêm phí”.

Không chỉ có vậy, thậm chí những linh mục thực hiện các nghi lễ cuối cùng tính phí 5.000 rupee - gấp hai đến năm lần số tiền thông thường.

Rohit Jangam, một linh mục Hindu ở Satara cho biết, nhiều linh mục từ chối vào các lò hỏa táng vì sợ dịch, còn nhiều người khác thì tính giá cao hơn để đổi lại. “Việc thực hiện nghi lễ cuối cùng của những người đã chết vì Covid-19 là quá mạo hiểm. Nếu ai đó nhờ cậy, tôi sẽ làm nhưng tôi sẽ tính thêm tiền vì tôi đang chấp nhận rủi ro."

Đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19, họ phải trả những khoản tiền khổng lồ cho vật tư y tế - thậm chí là những vật tư không rõ nguồn gốc trôi nổi tràn lan trên thị trường - khi mà Ấn Độ vẫn còn là quốc gia có thu nhập thấp. 

Tại thủ đô New Delhi, bình oxy được đổi chủ có giá là 70.000 rupee (955 USD) - gấp 20 lần giá thông thường và gấp nhiều lần mức lương hàng tháng của một người dân Ấn Độ trung bình.

Cảnh sát thủ đô đã thực hiện hơn 100 vụ bắt giữ trong các trường hợp lừa đảo đội giá quá cao, đối với cả thuốc, dịch vụ xe cứu thương và giường bệnh.

"Những con kền kền" - là cách mà người dân Ấn Độ gọi những người bán thuốc ở chợ đen. “Họ đứng trước mặt bạn với một thứ có thể cứu bạn/người thân nhưng tất cả mọi điều họ quan tâm chỉ là trong túi bạn có bao nhiêu tiền.”

Reuters

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm