Đại dịch Covid-19: Mở lối kinh doanh ngành bán lẻ?

Dịch SARS-CoV-2 (COVID-19) đã được WHO công bố là đại dịch toàn cầu khi lan đến 183 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 300.000 người mắc bệnh. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Dịch bệnh cũng khiến nhiều ngành nghề kinh doanh tổn thất nặng nề.
Đại dịch Covid-19: Mở lối kinh doanh ngành bán lẻ?

Điển hình là du lịch, công nghiệp, dịch vụ và cả ngành bán lẻ. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng, đây là cơ hội để ngành bán lẻ đổi mới, thích ứng với thói quen tiêu dùng đang ngày càng thay đổi của khách hàng.

Thời "liệu cơm gắp mắm"?

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam, việc đi lại mua sắm của người dân vẫn được duy trì nhưng với tần suất giảm dần. Đặc biệt, khi dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phố lớn thì cơ cấu tiêu dùng tại các gia đình có sự thay đổi đáng kể.

Theo nghiên cứu mới đây của Nielsen Research Việt Nam, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch COVID–19 khi người dân tăng cường tích trữ phòng ngừa các sản phẩm thiết yếu; tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online...

Điều này được phản ánh rõ qua thống kê của các trung tâm siêu thị, điện máy lớn. Đơn cử, hệ thống siêu thị Mediamart công bố, doanh thu hàng điện máy giảm từ 30 - 40%, duy chỉ có mặt hàng máy sấy, máy hút ẩm, máy lọc không khí được tiêu thụ nhiều hơn trước.

Tổ hợp thương mại - siêu thị Aeon Việt Nam cũng cho biết, số lượng khách hàng đến mua sắm giảm 20 - 35%. Lượng hàng hoá được tiêu thụ chậm lại, chỉ riêng mảng đồ ăn nhanh - ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn được bán nhanh hơn với số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước.

Theo thống kê của Nielsen, mặt hàng chăm sóc vệ sinh cá nhân gồm nước súc miệng tăng 78%; sữa tắm – xà phòng – nước rửa tay tăng 45%; khăn giấy tăng đến 35%. Mặt hàng thực phẩm ăn liền gồm sợi ăn liền tăng 67%; thực phẩm đông lạnh tăng 40% và xúc xích tiệt trùng tăng 19%.

Dựa vào xu hướng tiêu dùng và hành vi tiêu dùng của khách hàng, các DN bán lẻ đang tích cực cung ứng các sản phẩm kể trên để níu chân khách hàng đồng thời tăng cường phương thức mua sắm online đáp ứng đúng nhu cầu của mọi khách hàng.

Đây được coi là phương pháp để hệ thống các siêu thị - trung tâm thương mại đảm bảo lượng khách thường xuyên lưu đến cũng như đảm bảo vốn xoay vòng chờ đến lúc hết dịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây chỉ là kế sách tạm thời bởi về bản chất, thói quen tiêu dùng của khách hàng vốn đã thay đổi từ lâu.

Covid-19 làm thay đổi hoạt động của người dân, đặc biệt là trong du lịch, học hành, giải trí và thu nhập. Doanh nghiệp bán lẻ cần chuẩn bị các chương trình kích cầu khi dịch bắt đầu ổn định.

Nielsen Research

Lý do để thay đổi? 

Về cơ bản, các nhóm mặt hàng kể trên, từ thực phẩm ăn liền, sản phẩm chăm sóc cơ thể... không thể “cứu” nổi toàn bộ thị trường bán lẻ khi nhiều sản phẩm bị ngưng trệ.

Và cũng phải đến thời điểm này – thời điểm dịch COVID–19 bùng phát, ngành bán lẻ Việt Nam mới chứng kiến sự sụt giảm mạnh đến vậy. Ngay từ tháng 1/2020 – thời điểm diễn ra Tết cổ truyền của dân tộc, nhu cầu mua sắm vốn dĩ phải tăng cao nhưng doanh số ngành bản lẻ chỉ tăng trưởng chưa đến 7%.

Đây được đánh giá là một mức khá thấp. Khi doanh thu giảm, chi phí của các đơn vị bán lẻ như khấu hao tài sản, tiền thuê địa điểm, chi phí nhân công, vận chuyển... lại hầu như không thay đổi. “Như vậy, lợi nhuận ròng của các đơn vị bán lẻ chắc chắn sẽ giảm sút”, nhận định của chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú.

Ngành bán lẻ không chỉ chứng kiến sự sụt giảm ở kênh bán hàng hiện đại (siêu thị/trung tâm thương mại) mà kênh bán lẻ truyền thống (chợ dân sinh) cũng cho thấy một kết quả tương tự. “Đây là thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua nhưng cũng chính là cơ hội để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn”, ông Phú nhận định.

Hành vi mua sắm của khách hàng theo nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy, trong thời gian tới, ngành bán lẻ cần tăng cường các dịch vụ bán hàng online, giao hàng tận nhà cùng các tính năng mua sắm và giải trí trực tuyến.

Theo sát diễn biến thị trường và chủ động trong việc cung ứng hàng hoá sau dịch, đặc biệt là hành vi mua sắm online của khách hàng. Xu hướng này vẫn sẽ được duy trì sau mùa dịch.

Nielsen Research

Để khắc phục tình trạng khách hàng hạn chế đi mua sắm, Nielsen khuyến nghị rằng, các DN bán lẻ cần tăng cường các kênh small format (bán hàng nhỏ lẻ), các mô hình tạp hoá hiện đại để tận dụng lượng cửa hàng rộng khắp cả nước cũng như kết hợp cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm mà khách hàng có nhu cầu thực.

Điều quan trọng là nhà bán lẻ phải xây dựng được một hình ảnh DN có trách nhiệm với cộng đồng như tham gia vào các chiến dịch giải cứu nông sản; tăng cường các chiến dịch marketing trên nền tảng số, cắt giảm các hình thức quảng cáo ngoài trời (OOH – Out of Home).

Để làm được điều này, các nhà bản lẻ phải ứng biến nhanh chóng với sự chuyển biến tâm lý của người dân và các khách hàng mục tiêu. Theo nghiên cứu của Mekong Research, vốn dĩ, mối lo ngại và quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là ô nhiễm môi trường, sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc sức khỏe - giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nỗi lo lắng của người tiêu dùng hoàn toàn tập trung vào dịch COVID–19 và những tác động tiêu cực của nó đến hoạt động kinh doanh, kinh tế, thương mại...

Ngành bán lẻ đang đứng trước sự sụt giảm mạnh mẽ nhưng cùng với đó là cơ hổi để thay đổi toàn diện từ mô hình, phương thức kinh doanh đến chiến lược kinh doanh để mang đến phương thức mua sắm hiện đại và phù hợp xu thế của thời đại.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm