Đại điền sẽ đưa nông nghiệp Việt Nam bước sang trang mới

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề: “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”...
Đại điền sẽ đưa nông nghiệp Việt Nam bước sang trang mới

Phát biểu tại diễn đàn, đa số các diễn giả và nhà quản lý đều chung nhận định rằng, đại điền là hình thức phát triển đúng đắn và sẽ đưa sản xuất nông nghiệp Việt Nam bước sang trang mới.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tin tưởng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nông dân và sự đồng hành của doanh nghiệp, chắc chắn mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ thành công.

Đồng thời, ông Thịnh cho biết thêm, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch... Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống.

"Mô hình đại điền ra đời trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", ông Thịnh nhấn mạnh.

Chung quan điểm, ông Trần Xuân Định, Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) nhìn nhận, lâu nay Việt Nam vẫn đang loay hoay trong việc dồn, đổi, tích tụ đất đai. Do đó, việc phát triển nông nghiệp đại điền sẽ là cơ hội để cho nông nghiệp thực sự phát triển theo chuỗi hoàn chỉnh hơn.

Vì vậy, ông Định nhận định, với sự đóng góp của các đại điền, nông dân trẻ sáng tạo thì nền nông nghiệp sẽ có thể bước sang một trang mới.

ng Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA)
Ông Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA)

Thực ra, đại điền không phải hình thức mới xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức này chưa quá nổi bật bởi vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cái khó đầu tiền nằm ở chính sách hạn điền, tức phía bắc không quá 2ha và phía nam không quá 3ha. Chính sách này mang tính hạn chế nhu cầu tích tụ ruộng đất của hộ gia đình, cá nhân và không phù hợp với nhu cầu tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn hiện nay.

Khó khăn thứ hai là việc xử lý thành phầm sau thu hoạch. Theo đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD1) trình bày: "Mỗi nông hộ từ 2 đến 20 ha có thể sản xuất 12 - 120 tấn lúa tươi. Vậy công nghệ sấy nên làm như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi luôn luôn gặp phải".

Tiếp đó, trong chính sách phát triển đại điền, người nông dân còn gặp khó về vốn. Hiện tại, các nông dân vẫn đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ máy móc của nhà nước, thủ tục hành chính về tiếp cận hỗ trợ còn vướng mắc.

Toàn cảnh diễn đàn đại điền
Toàn cảnh diễn đàn

Chia sẻ về vấn đề tài sản thế chấp, ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Agribank cho biết, trong chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, cho biết bà con có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Liên quan đến hiệu quả mô hình đại điền, Agribank có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Đây là chính sách dược thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ. Bà con sản xuất đại điền có thể yên tâm rằng Agribank luôn tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp”, ông Vũ Trọng Thắng khẳng định.

Còn bà Lê Thị Lệ Thu, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông tin về một số điểm mới và định hướng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp. Theo đó, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ.

Cụ thể, về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nhà nước có chính sách khuyến khích thông qua việc ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.

Về cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa, người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề nghị tiếp tục có nghị định hướng dẫn.

Cũng tại diễn đàn, nhiều ý kiến đề xuất, để phát triển nông nghiệp đại điền, cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm