195 hệ thống xây dựng trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định. 94 hệ thống thiếu giấy phép xây dựng hoặc văn bản kiểm tra, xác nhận về đảm bảo kết cấu an toàn chịu lực của công trình được xây dựng. Hơn 100 hệ thống còn lại thiếu biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy hoặc văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Chưa kể, hầu hết tại các dự án điện mặt trời áp mái, trong quá trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi phát điện lên lưới không có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời, các văn bản pháp luật, hướng dẫn còn thiếu đồng bộ, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước hiện còn lúng túng trong hướng dẫn các nhà đầu tư xử lý dự án điện mặt trời mái nhà không thực hiện đảm bảo quy định pháp luật. Đặc biệt là các dự án điện mặt trời mái nhà trên các công trình nông nghiệp hiện nay.
Theo ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk: "Trên cơ sở kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh 12 văn bản chỉ đạo cũng như các sở ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Tham mưu 9 văn bản hướng dẫn cho các địa phương xử lý các tồn tại".
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp, thực hiện ngay việc khắc phục, bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan. Trường hợp, các đơn vị cố tình không thực hiện việc bổ sung sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, trước đó, Bộ Công Thương đã có kết luận về những sai phạm xảy ra tại Công ty Điện lực Đắk Lắk liên quan đến phát triển điện mặt trời áp mái. Cụ thể là thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà không đúng với hiện trạng lưới điện, thiếu minh bạch; nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối…
Có thể nói việc phát triển năng lượng mặt trời tại một số vùng đất đai cằn cỗi là chủ trương đúng đắn, nhưng việc giám sát, hướng dẫn để thực hiện dự án đúng quy định cần được cơ quan có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ hơn.