Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là yếu tố đảm bảo sự bền vững của sản phẩm

Sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ Việt Nam phần lớn đến từ việc các doanh nghiệp nước ngoài đang không ngừng “bành trướng”. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng của hành vi tiêu dùng cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn cho các doanh nghiệp nội địa. Vậy đâu là những yếu tố để một sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam thành công trên “sân nhà”?

Tạp chí Thương gia phỏng vấn TS. Lê Việt Nga, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

XU HƯỚNG TIÊU DÙNG BỀN VỮNG: CƠ HỘI CHO HÀNG VIỆT

Là người có 13 năm gắn bó với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bà có thể khái quát về sự chuyển biến của ngành bán lẻ Việt Nam trong những năm gần đây?

Hơn một thập kỷ qua, triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới đã tạo lợi thế cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển, chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Bán lẻ đã chiếm tỷ trọng khá trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại nội địa cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 8,3% so với năm trước.

Trong đó, các nhóm hàng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng tích cực như: nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; may mặc tăng 8,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 8,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,0%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 so với năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Cần Thơ tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,6%; TP.HCM tăng 5,2%.

Nhờ vậy, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong ba động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với 2023. Khu vực này đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế năm qua, gần 49,5%.

Bên cạnh đó, nhờ Việt Nam mở cửa ngành bán lẻ từ năm 2009, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bán lẻ ngày càng đa dạng, ngành bán lẻ chuyển dịch nhanh chóng từ những phương thức kinh doanh truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, bán hàng rong…) sang hình thức kinh doanh hiện đại (trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, kinh doanh trực tuyến trên nền tảng số và website thương mại điện tử,…) đã góp phần văn minh hóa mạng lưới thương mại, nhất là ở các khu vực nông thôn.

Giai đoạn 2010-2022, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh: Từ 567 siêu thị, 95 trung tâm thương mại (năm 2010) lên 1.241 siêu thị và 258 trung tâm thương mại (năm 2022) và hàng chục nghìn cửa hàng tiện lợi phát triển theo chuỗi, tốc độ phát triển của các loại hình hạ tầng thương mại này cao hơn nhiều so với tốc độ phát triển của chợ: bình quân giai đoạn 2010-2022, số lượng siêu thị tăng hơn 10%; số lượng trung tâm thương mại tăng khoảng 16,3% trong khi số lượng chợ tăng không đáng kể trong giai đoạn này (cả giai đoạn số lượng chợ chỉ tăng 0,02%). Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2024 đã vượt giá trị 25 tỷ USD.

Sự phát triển kinh tế, dân số trẻ, dân trí và thu nhập người dân tăng dần hàng năm đã đẩy nhu cầu hàng hóa có chất lượng tại thị trường trong nước tăng cao. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động năm 2009 cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đã có vai trò quan trọng để bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng tiêu dùng thiết yếu bền vững chủ yếu dựa trên nguồn hàng trong nước, đồng thời có nguồn hàng tiêu dùng nhập khẩu giá cả hợp lý, phong phú, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trong nước kể cả người nước ngoài và khách du lịch tại nước ta.

Theo bà những yếu tố nào để một sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam thành công trên thị trường? Đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Sau nhiều năm đồng hành cùng hàng tiêu dùng Việt Nam, tôi nhận thấy một điều rằng, để một sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam thành công trên thị trường đòi hỏi tính hiệu quả, tối ưu hóa của các yếu tố trong chuỗi giá trị hàng tiêu dùng này. Và một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là nắm bắt đúng xu hướng tiêu dùng. Hàng năm, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng và các công ty nghiên cứu thị trường đã có nhiều nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam.

Các yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm theo nghiên cứu của công ty NielsenIQ, một trong các công ty nghiên cứu thị trường uy tín cho thấy các yếu tố quan trọng nhất khi người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu hàng hóa lần lượt theo thứ tự ưu tiên: Giá thành thấp, giá trị mặt hàng mà người tiêu dùng có khả năng chi trả; sản phẩm đảm bảo an toàn và vệ sinh; nhiều lựa chọn tốt cho sức khỏe; thương hiệu tin cậy, quen thuộc; bền vững và thân thiện với môi trường; chất lượng cao, vượt trội; nhãn hiệu riêng; thương hiệu nội địa; ảnh hưởng xã hội; nhu cầu ngách; tính xa xỉ; tính độc đáo và khác biệt; thương hiệu nước ngoài

Có thể thấy rất rõ, việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng mới bảo đảm thành công bền vững của sản phẩm.

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT, TẠO GIÁ TRỊ THEO CHUỖI

Trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu ngày càng đa dạng phong phú và tăng sức cạnh tranh với hàng nội địa, bà có lời khuyên gì với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước?

Thực thế, việc cạnh tranh giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa là tất yếu khách quan của một nền kinh tế mở như Việt Nam. Nhưng như chúng ta vẫn biết: “áp lực tạo kim cương”, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước những năm gần đây đã nỗ lực đầu tư công nghệ, marketing, truyền thông quảng bá để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Nhiều ngành hàng tiêu dùng đã vươn xa chiếm lĩnh thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và thậm chí nhiều ngành như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê, trái cây… năng lực sản xuất gấp nhiều lần so với nhu cầu.

Doanh số hàng tiêu dùng tăng vọt, thúc đẩy thị trường bán lẻ

Để tiếp tục giữ vững thị trường nội địa cho hàng Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của đơn vị mình, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước cần nhanh chóng cập nhật và tận dụng các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, quảng bá, kết nối thị trường như: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình Phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng Thương hiệu Quốc gia; Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP…

Sự liên kết đồng hành cùng nhau trong các hội, hiệp hội ngành nghề ngành hàng gắn kết với người tiêu dùng trong nước cũng là giải pháp hữu hiệu để tạo hệ sinh thái, chuỗi liên kết hiệu quả, thêm sức mạnh tập thể, giảm chi phí và tăng vị thế cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập.

Bà có dự đoán như thế nào về sự phát triển của hàng tiêu dùng trong 5 năm tới?

5 năm tới sẽ là 5 năm đầu tiên của “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ có tác động hết sức to lớn đến hành vi tiêu dùng hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam (theo hướng chủ động tìm hiểu, mua bán, tạo xu hướng mua sắm trên môi trường số).

Ngoài ra cũng sự chuyển mình này sẽ tác động không nhỏ đến cách thức doanh nghiệp hoạt động (theo hướng tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng) và sự quản lý của Nhà nước (theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nhanh chóng, minh bạch, công bằng, tôn trọng quy luật của thị trường).

Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng tại thị trường trong nước chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển theo hướng văn minh và hiện đại, tiết kiệm nguồn tài nguyên đáp ứng tiêu dùng xanh, bảo vệ người tiêu dùng trong nước và hài hòa với tiêu chuẩn hàng hóa quốc tế. Đồng thời, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ tiếp tục được tôn vinh, làm rõ nét, bảo tồn trong các sản phẩm hàng tiêu dùng khi các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa đã được Đảng và Nhà nước phê duyệt, triển khai.

Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm