Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ APEC: Cuộc chơi mới sắp bắt đầu

Hôm nay (8/11), Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO Summit 2017), quy tụ khoảng 2.000 doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có rất nhiều tên tuổi lớn ch
Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ APEC: Cuộc chơi mới sắp bắt đầu

Cuộc chơi mới

Trước khi APEC CEO Summit 2017 diễn ra, một câu hỏi khiến dư luận rất tò mò, đó là những “đại gia” nào sẽ hiện diện tại sự kiện quan trọng này?

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC. Hơn 800 lãnh đạo cấp cao các tập đoàn, doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tham gia APEC CEO Summit 2017.

Và gương mặt những “người khổng lồ” tới Việt Nam cũng đã lộ diện. Từ Elon Musk, nhà sáng lập của Tesla Motors; Sheryl Sandberg - CEO của Facebook; Liam Mallon, Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil… đến Giám đốc đầu tư Mark Konyn của AIA, rồi Phó chủ tịch Global Leverage - Walmart International, ông Scott Price…

Chưa kể, còn có lãnh đạo của hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới, như DHL, Johnson&Johnson, FedEx Express… cùng những start-up đang “thay đổi cuộc chơi” toàn cầu như Rappler, OFO, Malong, Air BnB...

Không khó để nhận ra, nhiều trong số này đã, đang lên kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn, ExxonMobil tham vọng một dự án lên tới 10 tỷ USD ở Việt Nam. Walmart lên kế hoạch lấn sân thị trường bán lẻ Việt Nam. FedEx cũng tương tự…

Sau APEC CEO Summit 2017, nhiều hy vọng sẽ thêm những cú bắt tay hợp tác, mang tới khoản đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam từ các nền kinh tế thành viên APEC. Một cuộc chơi mới có thể bắt đầu ở không chỉ những lĩnh vực đầu tư truyền thống như chế biến, chế tạo, bất động sản…, mà còn là các lĩnh vực mới để đáp ứng dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngày 6/11, ngay trước thềm APEC CEO Summit 2017, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã tới Việt Nam và “thổi một luồng gió mới” vào thị trường thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến của Việt Nam.

Thực tế, khi Năm APEC 2017 chính thức bắt đầu, với việc Việt Nam đóng vai trò chủ nhà, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là “cơ hội vàng” để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư của các thành viên APEC. Điều đó đang diễn ra, khi 10 tháng qua, các nền kinh tế thành viên APEC đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 24 tỷ USD, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hậu APEC 2017, dự báo, dòng vốn này vào Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa, bởi thực tế sau APEC 2006 mà Việt Nam là chủ nhà, cũng từng có một làn sóng đầu tư lớn đổ vào Việt Nam.

Tối ưu hóa lợi ích vốn đầu tư từ APEC

Mặc dù năm 1998, Việt Nam mới chính thức gia nhập APEC, song có thể nói, 30 năm thu hút FDI đều có bóng dáng của các nền kinh tế thành viên APEC. Bởi lẽ, hầu hết thành viên sáng lập APEC vào tháng 11/1989, như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… đều là những đối tác đến đầu tư tại Việt Nam ngay trong thời điểm đầu tiên Việt Nam chính thức mở cửa thu hút dòng vốn đầu tư tư bên ngoài.

Cũng chính các nhà đầu tư này đã góp phần tạo nên làn sóng FDI đầu tiên của Việt Nam (giai đoạn 1991 - 1995), cả làn sóng FDI thứ hai (bắt đầu từ năm 2005), sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào năm 1998, và cả làn sóng thứ ba.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến ngày 20/10/2017, ngoài Pêru, Papua NewGuinea chưa có đầu tư tại Việt Nam, thì các thành viên còn lại của APEC đã đăng ký đầu tư tới hơn 246,3 tỷ USD, chiếm 78,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong gần 30 năm qua (khoảng 313 tỷ USD).

Điều đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong top 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, ngoại trừ BritishVirginIslands - đứng ở vị trí thứ 5 - thì 9 vị trí còn lại đều thuộc các thành viên APEC, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Đây đều là các nhà đầu tư chiến lược, quan trọng của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư của 9 thành viên này đã lên tới hơn 237,5 tỷ USD, chiếm trên 96,5% tổng vốn đầu tư của APEC và chiếm gần 76% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Không chỉ đứng đầu về số vốn, mà theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), rất nhiều dự án FDI quy mô lớn của các thành viên APEC đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chẳng hạn, các dự án của các “đại gia” Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ), Honda (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore), hay Microsoft, General Electric (Hoa Kỳ…

GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nhiều lần nhấn mạnh rằng, FDI nói chung, FDI từ các nền kinh tế thành viên APEC nói riêng, đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, từ khai thác, lọc hóa dầu, công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử, đến xi măng, sắt thép, thực phẩm, thức ăn gia súc… Dòng vốn đầu tư này đang trở thành một động lực tăng trưởng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 30 năm thu hút FDI, đã đến lúc Việt Nam cần có chiến lược mới trong thu hút FDI để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này. Dòng vốn đầu tư từ APEC càng không phải là ngoại lệ, bởi hầu hết các thành viên APEC đều là các nền kinh tế hàng đầu thế giới, có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến, hiện đại. Tận dụng được cơ hội ấy, Việt Nam sẽ dễ dàng hơn khi đặt chân lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...