Để nhân sự "vượt bão" trong thời suy thoái kinh tế

Suy thoái kinh tế là một thách thức đối với thị trường lao động. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhân sự vẫn có thể vượt qua khó khăn và tìm được cơ hội phát triển sự nghiệp...

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.jpeg
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế"

Khó khăn chung của nền kinh tế phản ánh trực tiếp lên hoạt động của các doanh nghiệp. Đơn cử như trong ngành sản xuất, theo Báo cáo Thực trạng nhân sự ngành sản xuất được Navigos công bố mới đây, ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu, trong đó có lĩnh vực bị ảnh hưởng cao nhất với tỷ lệ lên đến 91% doanh nghiệp. Và phần lớn doanh nghiệp dự báo cần ít nhất 12 tháng để thị trường có thể hồi phục trở lại.

TỶ LỆ "CHỌI" TĂNG CAO

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 3/2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 6.300 người so với quý trước đó và tăng 22.100 người so với cùng kỳ năm trước, tương đương con số 1,08 triệu người thất nghiệp. Cũng theo báo cáo này cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,1% tổng số thanh niên). Như vậy, cứ 100 thanh niên sẽ có 12 người thất nghiệp.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng, nhưng trong một số lĩnh vực vẫn “khát” nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao có bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm làm việc.

Đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo “Báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2023” do TopDev vừa phát hành, mặc dù lương trung bình tăng đáng kể đạt mức 32 triệu đồng/tháng nhưng dự đoán từ năm 2023-2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần 700.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin.

391678952_893820228874291_1708837966461760578_n.jpg
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search

Chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế" do Viện Quản trị & Công nghệ FSB thuộc Đại học FPT tổ chức mới đây, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng cũng như đưa ra các tiêu chí tuyển dụng có phần khắt khe hơn.

“Chúng tôi khảo sát doanh nghiệp ở trong ngành sản xuất thì đến 50% các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do kinh tế suy thoái, thậm chí nhiều lĩnh vực sản xuất có tới 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tỷ lệ chọi trong tuyển dụng hiện giờ rất cao, trước đây tỷ lệ là 1/20 nhưng giờ là 1/60, nghĩa là gấp 3 so với trước đây. Dự kiến, sang năm năm 2024 thị trường tuyển dụng sẽ tươi sáng hơn”, bà Ngọc Lan nói.

Còn ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng: “Sự phát triển của công nghệ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của khoảng 2,6 triệu công nhân. Ví dụ trước đây, một kỹ sư khi ra trường chỉ cần biết hai ngôn ngữ, một là ngoại ngữ và hai là một ngôn ngữ lập trình. Nhưng bây giờ khác rồi, bạn không chỉ cần kiến thức được đào tạo ở trường Đại học mà bạn cần cập nhật kiến thức liên tục hoặc những bậc cao hơn như trình độ thạc sĩ. Để làm được điều này, bạn có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, các khóa học online đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành của mình”.

NHÂN SỰ CẦN TỐ CHẤT GÌ?

Theo Bà Ngô Thị Ngọc Lan, nhân sự cần trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức để thích ứng với “thời suy thoái kinh tế” và bằng cấp khá quan trọng, nó có thể quyết định đến vị trí cũng như thu nhập của ứng viên.

“Nhà tuyển dụng họ quan tâm đến cả bằng cấp và chứng chỉ của ứng viên. Do đó, bạn nên theo học các khóa học ngắn hạn, học dài hạn, và việc học nó cần đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Chúng ta cũng phải tìm hiểu các đơn vị đào tạo chất lượng, để đảm bảo được việc học đạt kết quả như mong muốn”, bà Ngọc Lan nhấn mạnh.

Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho rằng, học là một quá trình quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, để việc học đạt được hiệu quả cao, cần cân nhắc 3 yếu tố trước khi lựa chọn khóa học phù hợp.

Thứ nhất mục tiêu học tập để làm gì, để đạt được mục tiêu gì? Nếu khóa học đáp ứng được mục tiêu học tập của bản thân thì đó là khóa học phù hợp.

Thứ hai cần tìm hiểu kỹ về chất lượng của khóa học, xem chương trình học có phù hợp với nhu cầu của bản thân hay không, giảng viên có giỏi không, cơ sở vật chất có đầy đủ không?

Thứ ba thời gian học cần phù hợp với lịch trình và điều kiện của bản thân. Nếu không có đủ thời gian để học dài hạn, có thể lựa chọn các khóa học ngắn hạn.

“Tôi chỉ quan niệm rằng là, học ngắn hạn, học dài hạn đều được, chúng ta đều cần học. Chỉ có điều là học nó có đáp ứng được cái mục tiêu của chúng ta cần phải đạt được hay không và chúng ta đã thực sự tìm hiểu các đơn vị đấy có đem lại cái chất lượng chúng ta mong muốn hay không”, bà Lan nói.

391716385_893820182207629_3647539397300165931_n.jpg
Bà Mai Thúy Hằng, Phó Tổng Giám đốc Sun Group

Từ kinh nghiệm thực tiễn làm tư vấn và trực tiếp thực hiện các chương trình tái định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ lựa chọn việc làm cho đội ngũ nhân sự trung cao cấp, bà Mai Thúy Hằng, Phó Tổng Giám đốc Sun Group “bật mí” tố chất cần phải có để có được cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp tại Sun Group đó là “các bạn sẵn sàng nhận việc thì lãnh đạo sẵn sàng giao”.

“Tôi là người rất chăm đi học. Tôi lựa chọn lớp học và giảng viên rất kỹ tính, không phải vì tôi không cầu thị mà vì tôi có ít thời gian. Tôi thấy rằng học thực chiến hiệu quả nhất khi bạn được học trực tiếp từ những người có kinh nghiệm”, bà Hằng nói.

Chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế", bà Mai Thúy Hằng khuyến cáo, nên có kiến thức nền tảng nếu muốn đi đường dài. Kiến thức nền tảng sẽ giúp bạn học nhanh và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

“Hằng năm, tôi có một học bổng nhỏ cho nhân viên của mình đi học các khóa học. Tôi sẽ chọn những khóa học giải quyết đúng vấn đề mà nhân viên đang gặp phải. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ đánh giá cao những ứng viên liệt kê bằng cấp, chứng chỉ trong hồ sơ ứng tuyển. Điều quan trọng hơn là họ đã làm gì với những gì mình được học”, bà Thúy Hằng nhấn mạnh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ số, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới...