Đề xuất 3 phương án đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo

Cục Hàng không giao Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đề xuất 3 phương án đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo

Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải 3 phương án đầu tư nâng cấp sân bay Côn Đảo nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả của dự án này.

Theo quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo được phê duyệt đến năm 2030, cần thiết phải triển khai đồng bộ 4 nhóm dự án thành phần gồm: Đường cất hạ cánh, đường lăn (do Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư); các công trình quản lý bay (do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM đầu tư); sân đỗ, nhà ga hành khách và hạ tầng dùng chung (do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV đầu tư) và kho xăng dầu hàng không triển khai thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2025, ACV chưa có kế hoạch đầu tư hạng mục xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay và hạ tầng kỹ thuật dùng chung tại sân bay Côn Đảo. Nếu ACV không triển khai đầu tư sân đỗ theo quy hoạch trong giai đoạn 2022 - 2024 sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai tổng thể các dự án phát triển đồng bộ Cảng hàng không Côn Đảo nói chung vì sân đỗ hiện hữu không đủ sức chịu tải để khai thác các loại tàu bay lớn và khó đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư.

Theo rà soát của Cục Hàng không Việt Nam, vướng mắc lớn nhất của dự án hiện nay liên quan đến sự đồng bộ của các dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo.

Do đó, để triển khai đồng bộ các hạng mục công trình thiết yếu để đảm bảo khi Cảng Hàng không Côn Đảo có thể đưa vào khai thác khi hoàn thành dự án, tránh việc không thể đưa Cảng Hàng không vào khai thác do chưa triển khai các hạng mục đồng bộ cần thiết khác, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT 3 phương án khắc phục.

Phương án 1, ACV đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn 2022-2025. Cục Hàng không Việt Nam đầu tư dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn; VATM triển khai đầu tư hệ thống bảo đảm hoạt động bay. Các công trình cung cấp dịch vụ hàng không như kho xăng dầu hàng không Bộ GTVT kêu gọi đầu tư.

Tại phương án này, Cục Hàng không Việt Nam sẽ giữ nguyên vai trò quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay của ACV, đảm bảo sự ổn định và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong quản lý kết cấu hạ tầng hàng không quốc gia.

Phương án 2, trường hợp giao ACV thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay sẽ giảm được thời gian trong việc trình phê duyệt đề án xã hội hóa, cũng như lựa chọn nhà đầu tư khác (Dự kiến thời gian xây dựng từ 2 - 3 năm). Trường hợp ACV không đầu tư các hạng mục công trình này trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ thực hiện xã hội hoá toàn cảng hàng không.

Theo phương án này, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Xã hội hóa kết cấu hạ tầng cảng hàng không để làm cơ sở triển khai. Tuy nhiên, phương án này sẽ phải triển khai lại các thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án và giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kêu gọi đầu tư toàn bộ Cảng hàng không Côn Đảo theo hình thức PPP; đồng thời không đồng bộ với thời gian thực hiện dự án của Cục Hàng không Việt Nam. 

Phương án 3, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xã hội hóa hạng mục nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay theo quy hoạch. Theo đó, đường cất hạ cánh, đường lăn sẽ được Cục Hàng không Việt Nam thực hiện theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, gồm: Hệ thống bảo đảm hoạt động bay (đài kiểm soát không lưu, hạ tầng đồng bộ do VATM đầu tư); nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ do Bộ GTVT kêu gọi đầu tư, đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật. 

Theo đó, đầu tư theo hình thức PPP đối với công trình nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay là hình thức BOT. Nhà đầu tư sau khi hoàn thành việc đầu tư nhà ga hành khách sẽ được nhận quyền kinh doanh, khai thác công trình nhà ga hành khách trong hời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Nhà nước. Nhà đầu tư sau khi hoàn thành việc đầu tư sân đỗ tàu bay sẽ được nhận quyền kinh doanh, khai thác công trình sân đỗ tàu bay.

Tuy nhiên phương án khai thác là cho ACV thuê lại toàn bộ sân đỗ tàu bay để đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không chỉ có 1 người khai thác cảng hàng không, sân bay. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Nhà nước. Dù lợi thế của phương án này là tính khả thi cao nhưng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, phương án 3 vẫn có những hạn chế giống như phương án 2.

Trên cơ sở phân tích các phương án, Cục Hàng không kiến nghị lựa chọn phương án 1 đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phê duyệt kế hoạch đầu tư của ACV giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề nghị điều chỉnh lùi kế hoạch khởi công dự án xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Côn Đảo.

Dự kiến, năm 2022 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, năm 2023 sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công và hoàn thành dự án đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Côn Đảo trong năm 2024.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm