Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết tình hình thực tế về thu hoạch vụ đông xuân và xuống giống vụ hè thu cho thấy nguồn cung lúa gạo tại tỉnh này dồi dào, sản lượng dư cho tiêu dùng và xuất khẩu. Với tình hình như hiện tại đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường không cần phải cấp hạn ngạch tháng nữa.
Theo vị đại diện này nhận định, tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu gạo ở một số nơi tăng lên. Do vậy, Việt Nam nên quan tâm đến thời cơ này. Còn về an ninh lương thực, có thể thực hiện giải pháp giao địa phương lưu kho trên địa bàn tỉnh thay vì mua dự trữ.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đề nghị, Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp tiếp tục mở tờ khai xuất khẩu, trong đó ưu tiên những tờ khai đã mở trong tháng 03 nhưng chưa xuất khẩu được. “Chúng tôi đã chuyển ra cảng 76.181 tấn; trong đó, hơn 46.000 tấn đã mở tờ khai từ tháng 03”. Ông Nam cho rằng cuộc họp hôm nay, cần thống nhất làm sao để có thể đưa hàng đi sớm.
Ông Trần Hồ Hiền - Giám đốc chi nhánh Cty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) cho biết, gần 10 nghìn tấn gạo Cty này đưa đến cảng Mỹ Thới trước ngày 24/03 vẫn chưa thể xuất khẩu vì tờ khai hải quan bỗng nhiên bị mất trên hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các lô gạo của Bidifood không được thông quan. Do hàng hóa bị ngâm từ ngày 23/03 tới nay nên doanh nghiệp này đã bị thiệt hại nặng, với chi phí phải chi ra lên tới 200 triệu đồng/ngày.
“Hôm nay, hai con tàu chở gạo đã chính thức thông báo phạt chúng tôi gần 200.000 USD, chưa kể gần 10 nghìn tấn gạo trên sà lan đợi lên tàu. Công ty chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính giải nguy cho chúng tôi”, ông Hiền bức xúc cho biết.
Sau lời phát biểu của ông Hiền, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đề nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ thông quan cho Bidifood và các trường hợp tương tự vì các doanh nghiệp ở trường hợp này đang chịu quá nhiều thiệt thòi. Đề nghị tính lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp này vào 100 nghìn tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 04. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không để doanh nghiệp thiệt hại thêm nữa.
Ông Khánh còn khẳng định, cơ quan quản lý sẵn sàng chịu trách nhiệm trước nhân dân trong điều hành xuất khẩu gạo. Ông thừa nhận việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua có gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đây là tình huống ảnh hưởng bởi an ninh lương thực, dịch bệnh và xâm ngập mặn phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương mong nhận được sự chia sẻ của địa phương, doanh nghiệp trước tình huống đặc biệt lần đầu phải đối mặt như hiện nay. “Không riêng doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hàng loạt doanh nghiệp các lĩnh vực khác cũng đang bị thiệt hại trong dịch bệnh và sẵn lòng chung tay cùng Chính phủ trong bối cảnh này”.
Trao đổi với Thuonggiaonline.vn, ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Cty Cp Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: Cả hội nghị đều đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường như trước ngày 23/03 vì tình hình hiện nay đã rất tốt cho cả nước trên mọi mặt trận: Lượng gạo tồn kho của các hội viên trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã là 1,9 triệu tấn cao hơn thống kê vào ngày 26/3/2020; Các doanh nghiệp đã ngừng không ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới từ 24/03 đến nay; Lúa vụ hè thu cuối tháng 05 này thu hoạch sẽ cho năng suất cao; Nhu cầu về gạo trong nước tạm thời lắng xuống, gạo bán rất chậm. Trong khi giá gạo thế giới đã bắt đầu sụt giảm; Ấn Độ sau lệnh cấm tuyệt đối, hiện nay cũng đã tung hàng ra xuất khẩu...