Theo đánh giá chung của các bên tham gia, điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông. Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành trái phiếu cần phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với nhà đầu tư trái phiếu.
Bộ Tài chính vừa phải tổ chức họp khẩn với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDirect cho rằng, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III, trong khi các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu rất khó khăn.
Kênh trái phiếu là kênh huy động vốn của doanh nghiệp nhưng đến nay gần như không có doanh nghiệp nào huy động được. Điều này ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của doanh nghiệp. Theo đó, trong ngắn hạn, ông cho rằng cần duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nói về thị trường cổ phiếu, theo đánh giá của ông Long, thị trường trái phiếu đã đạt đến mức độ cân bằng về cung cầu. Có giai đoạn tâm lý chung của thị trường là tiêu cực nhưng trong dài hạn, sự cân bằng trở lại, thị trường cổ phiếu sẽ phản ánh đúng sức khoẻ của nền kinh tế.
Hiện, để hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề vốn, bà Trần Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đề xuất cần có phương án tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường, tập trung vào việc phát hành trái phiếu ra công chúng. Để khuyến khích doanh nghiệp tập trung kênh huy động này, bà cho rằng các cơ quan quản lý có thể xem xét lại quy trình thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn.