Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.
Đối với hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi gian lận, thông đồng về giá bằng cách thay đổi nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua bán, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ nhằm vụ lợi, trục lợi, thông đồng về giá nhằm trục lợi.
Nhóm hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin trong thẩm định giá bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi công khai không đầy đủ các thông tin về thẩm định giá theo quy định; phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện công khai thông tin về thẩm định giá theo quy định.
Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi lập hoặc phát hành khống chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.