Sáng 12/7, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 53/2005 và Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM Võ Trung Trực cho biết dự án đường Vành đai 3 có khoảng 2.000 ha đất liền kề, chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít dân cư.
Dự kiến cần hơn 100.000 tỉ đồng để thu hồi đất, bồi thường và tái định cư với 2.000 ha này, trong khi đó, TP. HCM không thể bố trí kinh phí thực hiện.
Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở.
Từ quỹ đất thu hồi, TP. HCM làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức bán đấu giá để thu về nguồn lực lớn, tái đầu tư phát triển.
Dự kiến, đề án này sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố trình UBND TP. HCM trong tháng 7/2022.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND TP. HCM thí điểm một nội dung trong Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” vừa mới ban hành hồi tháng 6/2022.
Cụ thể, công tác bố trí tái định cư sẽ được thực hiện trước khi bồi thường. Bởi nếu làm song song giữa bồi thường và tái định cư như hiện nay thì sẽ kéo dài thêm sáu tháng trong trường hợp thu hồi đất của người dân.
Dự án vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng, dài 76 km đi qua 4 địa phương: TP. HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, dự kiến thi công giữa năm 2023 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025, thông xe toàn tuyến trong năm 2026.