Đến 2020, đầu tư mạnh cho hạ tầng cảng biển

Đề án của Chính phủ xác định sẽ tập trung đầu tư xây dựng thêm các tuyến cao tốc chính, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ.
Đến 2020, đầu tư mạnh cho hạ tầng cảng biển

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.

Theo đó, phấn đấu hình thành khung kết nối hạ tầng theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông và kết nối được một cách tương đối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với khung hạ tầng kết nối khu vực ASEAN. Nhất là các tuyến trục chính thuộc các hành lang Đông Tây.

Mục tiêu đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ: đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh..., cải tạo, nâng cấp cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ, nối thông và nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia...

Một số đoạn đường bộ cao tốc được đầu tư để phấn đấu đến năm 2020 đưa vào khai thác khoảng 2.000 km, tập trung đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP. HCM, tập trung hoàn thành các dự án còn lại trên tuyến để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe; đầu tư hệ thống đường ven biển, hành lang và đường tuần tra biên giới…

Về hạ tầng giao thông đường biến, sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng để nâng tổng công suất khai thác, chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực; xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Hạ tầng các cảng hàng không sẽ được rà soát để tiếp tục đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại 3 cảng hàng không quốc tế, xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt công suất thiết kế khoảng 110-120 triệu hành khách và 1,5-2,5 triệu tấn hàng hóa. Đến năm 2030, đạt tổng công suất thiết kế khoảng 290-310 triệu hành khách và 7-10 triệu tấn hàng hóa.

Mai Hoa

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…