Đèo Cả lên kế hoạch doanh thu 6.700 tỷ đồng, chia cổ tức 80%

Sáng 20/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với nhiều nội dung quan trọng đã được thông qua.
Đèo Cả
Đại hội cổ đông Đèo Cả đã thông qua kế hoạch doanh thu 6.700 tỷ đồng trong năm 2023.

Thay mặt Hội đồng quản trị, ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đã trình báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

Về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, Đèo Cả ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 419 tỷ đồng, tăng 2,2%, tương ứng biên lợi nhuận 10%.

Theo báo cáo của doanh nghiệp, doanh thu năm 2022 tăng trưởng nhờ công ty hoàn thành đảm bảo tiến độ các dự án: cầu Tình Yêu, hầm bao biển Quảng Ninh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hầm Thung Thi. Các dự án khác như hầm Trường Vinh, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đèo Prenn cũng đang thi công đảm bảo tiến độ.

Tổng tài sản của Đèo Cả tại thời điểm cuối năm 2022 là 41.781 tỷ đồng, tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng tài sản cố định là gần 29.000 tỷ đồng, còn lại các khoản chiếm tỷ trọng lớn là phải thu ngắn hạn (3.547 tỷ đồng), phải thu dài hạn (1.087 tỷ đồng), chi phí trả trước dài hạn (hơn 4.800 tỷ đồng). Doanh nghiệp có hơn 1.200 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, hơn 800 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức gần 30.000 tỷ đồng, riêng nợ vay dài hạn chiếm hơn 20.000 tỷ đồng. Đèo Cả còn có hơn 1.200 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Các khoản nợ chủ yếu là vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính, nợ trái phiếu ghi nhận 200 tỷ đồng.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. Với chỉ tiêu này, Đèo Cả dự chia cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.

Đèo Cả cho biết được chỉ định là nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tiếp đó, Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng.

Về kế hoạch dài hơi trong giai đoạn 2023 - 2025, Đèo Cả sẽ tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 - 2025.

Bên cạnh đó, Đèo Cả tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công – tư, tiếp tục xúc tiến triển khai các dự án PPP đang nghiên cứu tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, TP.HCM, Tiền Giang…

Đáng chú ý, chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro ở thành phố Hà Nội và TP.HCM đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025 - 2030.

Phát biểu tại đại hội, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đèo Cả cho biết, trải qua gần 40 năm hình thành, phát triển đến nay Đèo Cả là công ty mẹ gồm 8 công ty con (trong đó có HHV đang niêm yết trên HOSE), 3 công ty liên kết với trên 6.000 lao động, vốn điều lệ hơn 4.200 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm