Sự chuyển đổi xanh hóa ngành dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.
Thách thức ngành dệt may 2023
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan, cả năm 2022 xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 37,57 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Tính riêng quý 1/2023, xuất khẩu đạt 7,17 tỷ USD tương ứng giảm 1,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu làm ra.
Bên cạnh đó, sức mua hàng của các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp "đói" đơn hàng cùng với hàng tồn kho còn lớn khiến dẫn đến rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: “Chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Đơn hàng giảm từ quý 3, rồi quý 4/2022, tiếp tục đến quý 1/2023 và còn đang giảm tiếp. Hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm 20%. Hiện giờ đơn hàng đặt cho tháng 6 và tháng 7 vẫn chưa có”.
Vì thiếu hụt đơn hàng nên ngành dệt may xuất khẩu gặp khó khăn, không chỉ gây thiệt hại cho kinh tế doanh nghiệp mà còn đời sống của hơn 2 triệu lao động khi bị sa thải hoặc giảm giờ làm.
Đối với Việt Nam, ngành dệt may xuất khẩu có vai trò khá quan trọng, chiếm tới 18% tổng GDP cả nước. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đó để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục duy trì tích cực mở rộng thị trường và tìm kiếm đơn hàng nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, một trong những yêu cầu bắt buộc là doanh nghiệp phải đi theo con đường sản xuất bền vững.
Trong khi sức mua chung trên toàn thế giới do lạm phát và suy giảm toàn cầu mà nhu cầu về nhập hàng may mặc giảm mạnh, thì ngành dệt may Bangladesh lại đang khiến tất cả ngạc nhiên khi không những không bị ảnh hưởng mà vẫn đang nhận được rất nhiều đơn hàng.
Một trong những "bí quyết" là doanh nghiệp nước này từ rất sớm đã chuyển đổi ngành dệt may theo "tiêu chuẩn xanh". Mặt khác, với sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đã tập trung phát triển nhà máy xanh nên hiện là nơi được lựa chọn để đặt hàng.
Theo Tập Đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2022 Bangladesh có 153 nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED, có 500 nhà máy hiện nay đang nộp hồ sơ để nhận giấy chứng nhận này. Xét trên diện rộng, không có con số thống kê cụ thể với hơn 50.000 nhà máy trên cả nước. Có lẽ, chỉ nằm dưới 10% các nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED.
Tiêu chuẩn LEED là hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh, được công nhận và thẩm định cho những công trình kiến trúc, cung cấp cho bên thứ ba và chứng nhận (được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ) rằng một tòa nhà hoặc một công trình công cộng được thiết kế và xây dựng dựa theo những tiêu chuẩn hướng đến việc cải thiện hiệu suất, kết hợp với các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải C02, nâng cao chất lượng môi trường sống, nâng cao khả năng quản lý nguồn tài nguyên góp phần kiểm soát và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp dệt may nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung.
Tiêu chuẩn LEED được đánh giá dựa trên 6 yếu tố chính bao gồm: vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực.
Những yếu tố trên xoay quanh việc vận hành tái tạo năng lượng và cải thiện môi trường làm việc của người lao động, từ đó giúp nhà chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành, dễ dàng xử lý trong khâu quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể đạt được 4 hạng tiêu chuẩn của LEED từ bình thường chỉ cần từ 40 đến 49 chỉ tiêu khi các doanh nghiệp đáp ứng là đạt được sau đó là tăng dần chỉ tiêu từ bạc, vàng, kim cương.
Bên cạnh đó, xanh hóa ngành dệt may mang ý nghĩa là hoạt động sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi. Biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra ngoài tự nhiên, cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất và hướng tới sử dụng nguyên nhiên liệu tái tạo.
Lối đi bền vững cho ngành dệt may
Tại Việt Nam, việc thực hiện xanh hóa trong sản xuất dệt may là một thách thức, vì xanh hóa không chỉ là đưa vốn vào mà cần phải xây dựng các nhà máy đạt tiêu chuẩn. Đó là cả quá trình và mục tiêu phát triển kinh tế xanh.
Trong đó, cắt giảm tối đa lượng phát thải là tinh thần chung của sản xuất xanh trên toàn thế giới và muốn cắt giảm phải chuyển đổi ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay mô hình kinh tế tuần hoàn.
"Hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí của các thị trường sau này chắc chắn sẽ được gây dựng trên cơ sở các trụ cột của sản xuất xanh. Doanh nghiệp lúc này là pass hoặc fail. Chúng ta vào được hoặc là không vào được", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định.
Nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng, họ sẵn sàng chi trả ở mức giá cao cho các sản phẩm dệt may bền vững để bảo vệ môi trường đặt ra các áp lực buộc ngành dệt may phải đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh.
Vì vậy, muốn phát triển ngành dệt may theo hướng xanh hóa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị. Đồng thời, tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Từ bài học của Bangladesh, các doanh nghiệp nước ta có thể học hỏi để chuyển mình ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Chính phủ cần có thêm cơ chế hỗ trợ, chính sách đặc thù cho ngành dệt may đưa cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường, vốn đầu tư và các chế độ giúp các sản phẩm dệt may tiến xa nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.Ông Vương Đức Anh -chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định cùng với nhiều chuyên gia khác.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 càng thúc đẩy ngành dệt may trong nước đẩy nhanh quá trình xanh hóa.
Theo tập đoàn Đoàn Dệt May Việt Nam, thực tế việc đầu tư này giảm lợi ích trong ngắn hạn để doanh nghiệp tồn tại trong dài hạn. Nếu không chuyển đổi thì trong giai đoạn 5 đến 10 năm nữa, khi các tiêu chuẩn và tiêu chí trở thành luật hoá, sản phẩm của ta sẽ không còn đứng trên thị trường, không xuất khẩu và đứng ngoài cuộc chơi, tức là chúng ta khó tồn tại.
Đây là việc các lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến mà sự vào cuộc của Chính phủ các ban bộ ngành liên quan. Muốn phát triển bền vững trong nhiều chục năm tiếp theo thì dứt khoát phải có sự hi sinh đầu tư cho sản xuất xanh, bền vững ngay từ lúc này.
Đồng thời, siết chặt các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường trong sản xuất nhằm nỗ lực gìn giữ môi trường, để các nguồn tài nguyên thiên nhiên có cơ hội và thời gian tái tạo.
Phát triển theo hướng xanh cho thấy sự phát triển bền vững hơn, nâng cao hơn sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may nhận thức được trách nhiệm thì phải song hành với mục tiêu chung của phát triển kinh tế Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của doanh nghiệp may Việt Nam trong thời gian tới.