Dệt may Việt Nam “sợ” rào cản thương mại

Câu chuyện đơn hàng dường như không phải là vấn đề đáng chú ý nhất đối với các DN dệt may bởi nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý II/2017. Tuy nhiên, một vấn đề mà DN đang quan tâm nhiều hơn, ngại nhi
Dệt may Việt Nam “sợ” rào cản thương mại

Đơn hàng đến hết tháng 8

Năm 2016 được nhận định là năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến DN dệt may rơi vào tình trạng khó khăn chủ yếu xuất phát từ việc các thị trường XK chủ chốt của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga... đang gặp khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm xuống, khách hàng đặt hàng với số lượng nhỏ, không đặt dư hàng như giai đoạn trước. Thị trường châu Á duy trì ổn định hơn nhưng lượng đơn hàng lại nhỏ lẻ. Khó khăn này đang dần được phục hồi đã giúp cho ngành dệt may đang lấy lại đà tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/3, XK dệt may của Việt Nam đạt 4,53 tỷ USD, chỉ riêng 15 ngày đầu tháng 3, toàn ngành đã XK được hơn 1 tỷ USD. Nếu vẫn duy trì được tốc độ này thì ước tính trong quý I/2017, kim ngạch XK dệt may đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kì năm 2016. Tình hình thị trường XK của dệt may Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi, đứng đầu vẫn là thị trường Mỹ, tiếp theo là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngay từ những ngày đầu năm 2017, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nhận định, tình hình thị trường năm 2017 có tín hiệu sáng hơn do kinh tế Mỹ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn, mức độ tiêu dùng hy vọng cải thiện. Cho dù Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thực thi thì mức tăng trưởng 6% và có thêm 700 triệu USD tại thị trường này là khả thi. Đơn hàng của DN trong quý I tương đối dồi dào, tất nhiên, theo ông Trường, cũng không thể chủ quan bởi năm 2016 ngành dệt may cũng bắt đầu với một khởi điểm khá tốt.

"Dù vậy, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng đây là kết quả khá tốt của dệt may sau một năm ảm đạm. Cho đến thời điểm này, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết tháng 8 và chuyện đơn hàng đến thời điểm này là không đáng ngại.

Đơn cử như Tổng công ty May 10 đã có đơn hàng đến quý II, trong đó 45% lượng đơn hàng XK sang Mỹ. Đáng chú ý, sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump lên nắm quyền đã có những tuyên bố về TPP thì đến nay các DN Mỹ đã bắt đầu quay lại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt cho biết, đã ký hợp đồng đến giữa năm nên hoạt động sản xuất, XK của DN có chiều hướng suôn sẻ. “Nhờ làm việc có uy tín nên chúng tôi đã có được một số bạn hàng thân thiết. Hơn thế, năm nay, chúng tôi vừa đưa vào hệ thống dây chuyền in trên sản phẩm (khăn mặt là sản phẩm XK chủ lực của DN- PV), nhờ đó, sản phẩm của DN được ưa chuộng và nhiều bạn hàng đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang”, ông Châu cho hay.

Lo phòng vệ thương mại

Như vậy, chuyện đơn hàng dường như không phải là vấn đề đáng ngại đối với nhiều DN dệt may trong thời điểm này. Với tốc độ tăng trưởng khả quan như hiện nay, Chủ tịch VITAS còn mạnh dạn dự báo XK năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 13-14%.

Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm hiện nay đối với ngành dệt may chính là việc phòng vệ và rào cản thương mại của một số nước. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua, các nước tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay hàng xơ sợi XK của Việt Nam bị kiện đến 7 vụ, trong đó có 5 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp và 1 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Ấn Độ và Brazil. Hiện tại, Việt Nam đang bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi dún polyester và sợi nhân tạo tổng hợp; bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với sợi spandex từ tháng 1/2016.

Ông Giang cho biết, “thích nghi ngay” là việc mà DN dệt may đã làm được khi đối mặt với các vụ kiện. Bằng chứng là, sau khi sợi sang Trung Quốc bị áp dụng biện pháp phòng vệ, DN đã tìm kiếm ngay thị trường khác để XK như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Song cánh cửa XK của DN dần bị khép lại khi lần lượt các nước này cũng áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi. Do vậy, để cạnh tranh bình đẳng, Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu các giải pháp hoặc rào cản về kĩ thuật nhằm phòng vệ một cách chính đáng với các sản phẩm của nước ngoài đang có dấu hiệu bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Việc làm này là hợp pháp, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Với ngành dệt may khi gặp phải các rào cản kỹ thuật trên, ông Giang cho rằng, ngành cũng phải tìm ra các giải pháp để chuyển đổi sang các thị trường có điều kiện tốt hơn. “Việc phòng vệ ở đây là giải pháp của cơ quan nhà nước, còn với các DN phải chuyển dịch cơ cấu ngay lập tức để không bị phụ thuộc một thị trường”, ông Giang nói.

Thực tế, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ trong các hiệp định thương mại tự do thì cũng là lúc các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Một số chuyên gia về phòng vệ thương mại cho rằng, DN Việt Nam cần phải học cách “sống chung với lũ”. Điều DN cần làm khi gặp phải bất kì một cuộc điều tra nào là chuẩn bị nguồn tư liệu, sổ sách… đầy đủ để giảm thiểu thiệt hại ít nhất cho mình.

Theo baohaiquan.vn

baohaiquan.vn/Pages/Det-may-so-rao-can-thuong-mai.http://www.baohaiquan.vn/Pages/Det-may-so-rao-can-thuong-mai.aspx

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...