Theo tờ trình ĐHCĐ bất thường lần này, FLC sẽ xin ý kiến cổ đông về 3 vấn đề chính, gồm: phương án sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM (FAM) vào FLC, kiện toàn nhân sự chủ chốt HĐQT và phê duyệt lại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016.
Đến 9h ĐHCĐ bất thường bắt đầu với sự tham dự của 820 cổ đông đại diện cho 331 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 51,91% tổng cổ phiếu lưu hành.
Ẩn số phút chót FAM?
Ngày 22/10, FLC bất ngờ công bố bổ sung thay đổi tờ trình ĐHCĐ bất thường về phương án nhận sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM. Hình thức sáp nhập là phát hành cổ phần để hoán đổi cổ phần, thay thế cho phương án phát hành 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ tại tờ trình công bố ngày 12/10.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phần dự kiến 1:1,07 (1 cổ phần FLC đổi lấy 1,07 cổ phần FAM), FLC sẽ phải phát hành thêm 149,5 triệu cổ phiếu hoán đổi với cổ phiếu của FAM. Cổ phần phát hành để hoán đổi với cổ phần của cổ đông công ty FAM không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau sáp nhập, FAM chấm dứt tồn tại, FLC hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của FAM.
Giải thích về đề xuất sáp nhập FAM, FLC cho biết muốn cơ cấu lại hoạt động của tập đoàn, với định hướng mở rộng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch trên quy mô lớn.
Tại ĐHCĐ bất thường, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, việc đề xuất sáp nhập FAM nhằm phục chiến lược lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp bên cạnh hoạt động xây dựng, đầu tư bất động sản đang lớn mạnh. Trước mắt, công ty này sẽ cung ứng sản phẩm cho các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn, sau đó là phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc New Zealand và nhiều thị trường khác…
Được biết, FAM là công ty được thành lập thág 1/2008, có địa chỉ trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của FAM gồm: xây dựng nhà các loại; xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, công trình công ích, sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp; ha, bán lẻ…
Một số cổ đông bày tỏ bất ngờ về kế hoạch sáp nhập và chất vấn HĐQT cung cấp thông tin rõ ràng hơn về FAM, như: tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, vì sao tỷ lệ sáp nhập là 1:1,07… Song lãnh đạo công ty yêu cầu cổ đông gửi câu hỏi cho Ban thư ký để trả lời sau, khiến cổ đông không hài lòng.
Chia sẻ bên lề cuộc họp vào giờ giải lao, một cổ đông khác thắc mắc "Công ty FAM vốn 1.600 tỷ đồng mà trên thị trường chả nghe tên bao giờ, bao giờ sáp nhập, mà phần thảo luận lại chưa nói rõ, đã tiến hành bỏ phiếu”.
Chủ tịch FLC tích cực gom cổ phiếu
Ngoài vấn đề sáp nhập, câu chuyện giá cổ phiếu FLC vẫn lình xình dưới mệnh giá, đầu tư dự án cáp treo vào hàng Sơn Đoong… tiếp tục được cổ đông chất vấn ở mỗi kỳ họp ĐHCĐ của FLC.
Tại đại hội, HĐQT đã có tờ trình ĐHCĐ chấp thuận cho cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết được phép nâng sở hữu lên mức trên 25% vốn điều lệ mà không cần chào mua công khai. Nhờ đó ông Quyết có thể nhanh chóng thực hiện các giao dịch mua cổ phiếu để tăng tỷ lệ nắm giữ lâu dài.
Ngay trước ngày họp ĐHCĐ bất thường, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC tiếp tục đăng kí mua thêm 37 triệu cổ phiếu FLC để nâng sở hữu lên 30,12%, tương đương gần 192,2 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 15/11 đến 15/12/2017.
Trước đó, ông Quyết đã mua gom 2 đợt với tổng cộng 31 triệu cổ phiếu FLC ở vùng giá quanh 7.100 đồng/CP để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này. Tính chung 3 đợt mua gom này, ông Quyết sẽ sở hữu thêm 68 triệu cổ phiếu FLC với tổng số tiền chi ra ước tính hơn 510 tỷ đồng (tính theo giá bình quân 7.200 đồng/CP). Hiện ông Quyết đang là cổ đông lớn nhất của FLC và Faros , hai công ty mà lãnh đạo này đều làm Chủ tịch HĐQT.
Sáng nay, cổ phiếu FLC tiếp tục giao dịch lình xình tăng từ 7.350 đồng/CP lên 7.400 đồng/CP sau đó lại giảm. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12 triệu đơn vị.
Hồi tháng 8, sau khi ông Quyết gom xong 20 triệu cổ phiếu FLC thì mã này bất ngờ tăng trần liên tục từ 7.000 đồng/CP lên mức 9.160 đồng/CP. Khối lượng giao dịch khớp kỷ lục có phiên lên tới 72 triệu đơn vị. Sau đó, FLC lập tức quay đầu lao đốc về lại vùng tích luỹ quanh 7.200 đồng/CP.
ĐHCĐ bất thường đã bầu bổ sung ông Trần Quang Huy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC là Thành viên HĐQT thay cho ông Lê Bá Nguyên đã bị miễn nhiệm từ ngày 23/10/2017.
Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua Báo cáo tài chính năm 2016 được kiểm toán lại bởi Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt sau khi đơn vị kiểm toán cũ bị xử phạt.