Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng giải đáp nhiều câu hỏi của cổ đông về hoạt động đầu tư, kinh doanh
Đây là lần đầu tiên tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup (mã: VIC) chia sẻ về “giấc mơ ô tô Việt” và giải đáp những băn khoăn, lo ngại của cổ đông về hoạt động đầu tư, kinh doanh tăng trưởng cao của tập đoàn tại ĐHCĐ thường niên diễn ra sáng nay 31/5/2018.
Mục tiêu doanh thu 5,3 tỷ USD
ĐHCĐ thường niên năm 2018 sẽ thông qua kết quả kinh doanh năm 2017 và kế hoạch kinh doanh năm 2018, nay, phương án phân phối lợi nhuận, phát hành riêng lẻ tăng vốn, rút một số ngành nghề kinh doanh, sửa đổi điều lệ công ty…
Báo cáo với cổ đông, lãnh đạo Vingroup cho biết kết quả kinh doanh năm 2017 của toàn tập đoàn có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, doanh thu tăng tới 55%, đạt 89.350 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 5.655 tỷ đồng, tăng trưởng 27%.
Do đó, Vingroup sẽ trình ĐHCĐ phương án chia cổ tức 21% bằng cổ phiếu (mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 210 cổ phiếu mới) trong quý 2/2018. Với mức vốn hiện tại 26.377 nghìn tỷ (tương ứng gần 2,64 tỷ cổ phiếu), ước tính công ty sẽ phát hành thêm khoảng gần 554 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn phát hành từ hơn 5.653 tỷ đồng lợi nhuận luỹ kế sau thuế đến hết quý 1/2018. Nhờ đó nâng vốn điều lệ lên 31.916 tỷ đồng.
Năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 34% lên mức khoảng 120 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.500 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm trước.
Tập đoàn sẽ đẩy mạnh các hoạt động chính gồm: Bất động sản, Du lịch và vui chơi giải trí, Bán lẻ, Y tế, Giáo dục và Nông nghiệp, sản xuất oto Vinfast… để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Tại đại hội, cổ đông đã chất vấn HĐQT về các hoạt động đầu tư dự án bất động sản, sản xuất oto Vinfast, ý định đầu tư tuyến Metro…
Giấc mơ oto Vinfast
Đánh giá cao về nỗ lực đầu tư dự án Vinfast của tập đoàn, cổ đông chất vấn HĐQT về chiến lược kinh doanh, bán sản phẩm oto, xe máy điện trong tương lai? Bởi Vinfast sẽ phải cạnh tranh với các hãng xe nhập khẩu?
Ông Phạm Nhật Vượng: nếu so với thế giới thì nhiều sản phẩm ngành hàng của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với các tên tuổi lớn.
Với việc đầu tư sản xuất oto Việt, Vinfast có mức độ tự động hoá rất cao nhờ sử dụng lượng lớn robot hoạt động thay thế con người. Nhờ đó, chất lượng xe sẽ rất tốt, ít ồn… đảm bảo tiêu chuẩn xe cao cấp châu Âu.
Chiến lược ban đầu của Vinfast là chiếm lĩnh thị trường, trong đó có yếu tố giá cạnh tranh tốt và tôi tin là thời gian đầu tung sản phẩm ra sẽ hấp dẫn người tiêu dùng.
Hơn nữa, công ty sẽ có chính sách giá và hậu mãi tốt, cùng với chất lượng xe tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm Vinfast sẽ hấp dẫn thị trường.
Với những chiến lược đầu tư, kinh doanh bài bản, khả thi thì chẳng lẽ Vinfast không cạnh tranh được với một số hãng tên tuổi thế giới sao? Nhằm hiện thực hoá giấc mơ ô tô của người Việt, thì chúng tôi tự tin sẽ làm được. Nhất là Vingroup có lợi thế về hệ sinh thái, tiềm lực … nên Vinfast là chân trời mới của chúng ta.
Nhà máy sản xuất oto Vinfast của Vingroup tại khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng
Có thông tin về việc Vingroup đang muốn đầu tư xây tàu điện ngầm, vậy HĐQT cho biết kế hoạch và lộ trình đầu tư vào dự án metro cụ thể?
Ông Phạm Nhật Vượng: lĩnh vực này công ty đang xem xét đầu tư, cũng có thể tạo lớn nhuận cho tập đoàn trong tương lai.
Cũng theo ông Vượng, tập đoàn muốn tìm kiếm, phát triển quỹ đất đủ lớn để phát triển các khu đô thị vệ tinh mà trong bán kính 30km từ trung tâm thành phối. Trong chiến lược đầu tư của Vingroup, tập đoàn sẽ phát triển tổ hợp nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, vui chơi giải trí… đồng bộ, hiện đại để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Cổ đông cũng yêu cầu lãnh đạo giải thích số tiền gửi tiết kiệm 3 năm lên tới 1.800 tỷ đồng ghi nhận trên BCTC năm 2017 trong lúc tập đoàn cần vốn, vay nợ nhiều để đầu tư?
Bộ phận tài chính của Vingroup: Hiện nay tập đoàn lúc nào cũng có khoản tiền nhàn rỗi dư thừa và công ty đã đàm phán với ngân hàng gửi tiền có thể rút gốc linh hoạt. Khi nào công ty cần vốn, thì có thể rút về bất cứ lúc nào.
Theo ông Phạm Nhật Vượng, mặc dù vẫn phải đi vay vốn đầu tư song công ty nào cũng cần có nguồn vốn dự phòng đầu tư bằng một lượng tiền gửi tiết kiệm. Công ty chấp nhận chịu thiệt lãi suất một chút song có lượng vốn dự trữ linh hoạt, để đảm bảo an toàn tài chính. Điều này là thực sự cần thiết và có ý nghĩa với công ty đầu tư lớn, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng bất động sản vài năm trước, công ty vẫn có nguồn vốn để xoay sở được.
Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản của Vingroup đạt hơn 213,8 nghìn tỷ đồng. Tài sản lớn nhất tập trung ở các dự án bất động sản đã hoàn thành, đang đầu tư dở dang ở nhiều địa phương trên cả nước (Nha Trang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Vĩnh Long…); chi phí xây dựng dở dang 2 dự án mới, đầu tư tài chính, các khoản phải thu…
Tập đoàn sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của các thương hiệu trên khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là chuỗi TTTM Vincom, hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+. các lĩnh vực mới cũng sẽ được đầu tư mạnh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ toàn diện phục vụ cho khách hàng với tiêu chuẩn, chất lượng 5 sao quốc tế.
>> Hai mẫu ô tô VinFast được bảo hộ sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu