Sóng cổ phiếu ngân hàng đã được nhắc đến nhiều những tháng vừa qua, nhưng sự biến động “không bình thường” của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) khiến người ta chú ý nhiều hơn tới ngành “hot” này.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, khi các cổ phiếu ngân hàng khác biến động chỉ vài phần trăm hoặc trên chục phần trăm thì cổ phiếu SHB đã tăng giá tới hơn 50%, từ quanh mức 5.000 đồng lên 7.600 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ vậy, khối lượng giao dịch các phiên thường ở mức dẫn đầu trên sàn HNX. Lượng giao dịch thỏa thuận cũng tăng mạnh với nhiều phiên lên đến hàng triệu đơn vị. Riêng tuần này, khối lượng giao dịch lên cao đột biến, từ 16 triệu đến hơn 35 triệu đơn vị mỗi phiên, gấp từ 4 – 7 lần bình thường.
Nhiều người hẳn phải đặt câu hỏi: chuyện gì đang xảy ra với SHB?
Một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán cho rằng, sự biến động của giá cổ phiếu SHB đúng là đáng chú ý và sự biến động nào cũng cần có lý do. Với SHB, ông cho rằng do giá cổ phiếu này đã quá rẻ nên tăng chút ít tính ra phần trăm cũng cho con số khổng lồ. Ngoài ra gần đây có một số thông tin bên lề cho rằng có một nhà đầu tư tổ chức lớn đang tìm hiểu và muốn đổ lượng tiền không nhỏ vào SHB khiến cho cổ phiếu này trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, một chuyên gia khác thì nói rằng, sóng ngân hàng là xu hướng chung thời gian gần đây. Với những chính sách của NHNN về tái cơ cấu đang có nhiều hướng mở và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, cũng như kỳ vọng nới room như thông điệp hồi đầu năm của Thủ tướng, bức tranh ngân hàng đang trở nên sáng sủa hơn. Riêng SHB có thêm chút hấp dẫn khi doanh thu của ngân hàng năm nay có thể ghi nhận thêm một khoản tiền kha khá từ việc bán 49% vốn của công ty tài chính tiêu dùng như lãnh đạo ngân hàng này từng đề cập.
Tham vấn ý kiến của một nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng kỳ cựu, người viết lại nhận được câu trả lời rằng thị trường chủ yếu đang "ăn" theo tin đồn tích cực và các cổ phiếu giá rẻ như SHB hay STB sẽ được nhà đầu tư lướt sóng "ưu ái". Ông còn dự báo giá các cổ phiếu đang ở một con số sẽ trở nên khan hiếm trên thị trường thời gian tới nếu tình hình ngân hàng khá lên.
Theo Minh Phương/ Trí thức trẻ