Doanh nghiệp gặp khó khi tìm kiếm Hợp tác xã để liên kết chuỗi giá trị

Đây là ý kiến tham luận được đưa ra tại diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” diễn ra sáng ngày 11/4...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”

Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Nêu ý kiến tham luận, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, phát triển hợp tác xã sẽ giúp thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp rất muốn tìm kiếm hợp tác xã nông nghiệp để liên kết nhưng gặp khó vì không có hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị. Chẳng hạn, về ưu đãi tín dụng, hợp tác xã được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hợp tác xã được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm, khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Hơn nữa, Chính phủ cũng có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…

"Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết do không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro", ông Thịnh cho hay.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh nêu ý kiến tham luận tại Diễn đàn.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh nêu ý kiến tham luận tại Diễn đàn.

Để giải quyết vấn đề trên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất, thời gian tới cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của hợp tác xã về trình độ quản trị, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kiến thức quản trị; đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho thành viên hợp tác xã áp dụng quy trình công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã. Doanh nghiệp được xác định là đầu tàu của liên kết, vì thế để thúc đẩy hợp tác xã tham gia liên kết cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết thông qua hợp tác xã. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng, những ý kiến đóng góp, thảo luận từ đại diện các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, cộng đồng hợp tác xã và các doanh nghiệp sẽ nhận được sự quan tâm, tiếp thu sâu sắc từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Để từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của hợp tác xã sẽ mang lại kết quả cụ thể hơn, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững...

Cũng tại diễn đàn nhiều sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp đến từ các tỉnh thành được trưng bày, giới thiệu tới các đại biểu và doanh nghiệp tham dự...

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 31.764 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73 nghìn tổ hợp tác. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2024, Luật hợp tác xã năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực, với nhiều điểm mới nổi bật giúp các tổ chức kinh tế tập thể phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.

Có thể bạn quan tâm